Vào Ngày Thơ Việt hàng năm, các nhà thơ thường có những chuyến du xuân và tham gia giao lưu khắp nơi. Năm nay, một đoàn nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ TP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM dẫn đầu cùng nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Lương Hiệu, Lê Thị Kim, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phùng Hiệu, nhà thơ Hoa Níp và nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã có chuyến du xuân khởi hành đến thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.
Chuyến đi dài gần 600km của đoàn đã đọng lại nhiều cảm xúc trong ngày đầu xuân rong ruổi theo thơ.
Vừa đến địa phận tỉnh Đồng Nai, cả đoàn nhốn nháo vì thông tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất. Nhà thơ Phan Hoàng bồn chồn muốn trở về vì anh và nhà văn Nguyễn Quang Sáng như đôi bạn vong niên có quá nhiều kỷ niệm. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho nhà thơ Phan Hoàng và cả hai trở thành tri kỷ quá lâu năm bên bình trà chén rượu. Trên chuyến xe, những kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được các thành viên trong đoàn kể lại với nhiều cảm xúc.
Đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM dừng chân tại “khách sạn ngàn sao” ở biển Cà Ná
Đoàn xuyên đêm đến biển Cà Ná lúc giữa đêm. Chỉ còn những cửa hàng bán nước mắm và mực một nắng sáng đèn. Chẳng có chỗ dừng chân cho các tay lái lụa như nhà thơ Phùng Hiệu và Hoa Níp thường ngày không quen chạy đường trường. May mắn sao chỉ còn chỗ dừng chân giữa đường của các bác tài xế xe tải. Cả đoàn đã có một đêm ngủ giữa ngàn sao trong giá rét của những cơn gió miền Trung cứ ùa về giữa đêm trường tê tái.
Buổi sáng ngày rằm tháng Giêng, gió lạnh và mặt trời lười biếng đã làm chậm chuyến hành trình hơn hai tiếng so với dự kiến. Nhà thơ Phan Hoàng luôn miệng lẩm bẩm động viên anh em: “Mình đi như đi chơi mà. Không có gì phải vội, cứ từ từ thôi!”
Đi ngang qua Diên Khánh – Khánh Hòa, cả đoàn dừng chân ăn sáng và viếng thăm di tích đền thờ chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp của phong trào Duy Tân được xây dựng trên Gò Chết Chém, bên cạnh cầu sông Cạn, nơi ông đã ngã xuống.
Cây đa cổ thụ nơi chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp hy sinh
Nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Lê Thị Kim và nhà thơ Phùng Hiệu
thăm hỏi người giữ đền thờ chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp
Buổi sáng mùa xuân dịu mát, đền thờ chí sĩ Trần Quý Cáp vẫn phần phật ngọn cờ và cây đa cổ thụ vẫn xòe rộng tàn lá. Đây là cây đa đã lưu giữ hơi thở cuối cùng của người chí sĩ yêu nước. Lặng nhìn lên những nhánh cây cứng cáp to khỏe, tưởng tượng hình ảnh người chí sĩ trong ngày hy sinh, lòng chợt trào dâng sự cảm phục những người con đất Việt anh hùng.
Từ trái sang: Vũ Trọng Quang, Phan Hoàng, Nguyễn Lương Hiệu,
Nguyễn Thái Dương, Phùng Hiệu trước cổng thành cổ Diên Khánh
Cả đoàn tiếp tục đi xuyên qua thị xã Diên Khánh, dừng trước cổng thành cổ Diên Khánh. Đây là một trong những kiến trúc quân sự độc đáo còn sót lại của các tỉnh miền Trung. Chúa Nguyễn đã xây dựng thành Diên Khánh từ năm Quý Sửu 1793 làm nơi áng ngữ, phòng thủ và bảo vệ vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Thành cổ vẫn còn đó, muôn đời trấn giữ yên bình cho vùng đất này thêm trù phú. Các nhà văn và nhà thơ trong đoàn được dịp tung tăng ghi dấu trên thành cổ.
Buổi trưa ngày rằm tháng Giêng, cả đoàn đến Tuy Hòa và chuẩn bị hòa vào Đêm thơ truyền thống Nguyên tiêu trên đỉnh núi Nhạn, vùng đất đã có 34 lần diễn ra đêm thơ Việt. Sau đó, đoàn tiếp tục đi thăm các thắng cảnh, di tích và gia đình các bạn thơ ở Phú Yên…
Đoàn văn nghệ sĩ TP.HCM thăm và uống cà phê cực ngon của nhà văn Ngô Phan Lưu ở Tuy Hòa
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng từ Bình Định vào hợp cùng bạn thơ Phú Yên
và TP.HCM thăm và liên hoan ở gia đình nhà thơ Phan Hoàng
Đoàn viếng và chụp ảnh lưu niệm ở tổ đình Long Tường trên vùng bán sơn địa Tây Hòa
Nhà thơ Lê Thị Kim với bạn thơ trong Hội Thơ Nguyên tiêu núi Nhạn
BT: Vương Chi lan