Ẩm thực trong văn chương ư? Đó quả là một ý tưởng vô cùng sáng tạo có phần đột phá. Trước nay, người ta đưa văn hóa ẩm thực phong phú vào những cuốn sách dạy nấu ăn hay các chương trình nữ công gia chánh trên báo đài. Thì giờ đây, Lưu Quang Minh biến những gì thuộc về đại chúng trở nên thuần khiết và cao cấp hơn bằng ý tưởng của mình, song song là sự biểu hiện của nét đẹp nghệ thuật được trau dồi kỹ lưỡng với ngòi bút sắc sảo của tác giả. Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi sẽ đưa bao kẻ “mọt sách” cùng các tín đồ ẩm thực trên mọi miền đến với hương vị của các món ăn có mặt ở đất Sài thành qua những câu chuyện đầy tính hiện thực và nhân văn – cái gọi là hương vị cuộc sống được bày biện một cách tự nhiên và chân thực.
Không biết có phải chủ ý hay không, nhưng Lưu Quang Minh biết cách “chan” những sở thích của mình vào trang sách để người đọc nhận ra, đó cũng chính là sở thích của họ. Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi có các món ăn đã từng sống một thời tuổi trẻ với ai đó, với tôi và với bạn trong Trà Sữa Trân Châu, Phá Lấu Vỉa Hè hay Gỏi Khô Bò vs McDonald. Nó hàm chứa những cung vị trong mỗi tâm hồn, các món ăn này cũng mang sứ mệnh kết nối những kỷ niệm lại với nhau, và rồi chúng trở thành trọng tâm của những câu chuyện đời thường, nó mang mọi tâm trạng nhung nhớ, buồn rầu, hờn ghen và thỏa mãn. Tác giả đã “nêm” thêm vào đó những cảm xúc rất chân thực, mang niềm riêng tư cùng những hoài niệm dông dài. Khi bạn đọc Trân Châu, bạn sẽ cảm nhận được môi mình đang mút rồn rột chiếc ống hút to, và những viên trân châu trôi tọt vào miệng cùng hương vị trà sữa năm nào. Rồi ngoảnh đầu lại, kỷ niệm học trò vẫn luôn ở đó, bên ly trà sữa trước cổng trường. Phá Lấu Vỉa Hè hay Gỏi Khô Bò VS McDonald cũng vậy, các món ăn vỉa hè luôn là sự lựa chọn tuyệt vời của những cô cậu học sinh, xuyên suốt là chuỗi thời gian đầy ắp kỷ niệm của tuổi mới lớn, là tình chị em khắng khít bên chén gỏi khô bò, là tiếng cười ngạo nghễ của hai anh em mê món phá lấu mặn mà, ngầy ngậy yêu thương.
Triết lý hơn, tác giả đưa bạn đến Cơm Nhà và Café Cùn với thông điệp “Hãy trân trọng những gì bắt nguồn từ gia đình và quê hương”. Lưu Quang Minh dùng ngòi bút “chế biến” món thịt kho trứng ngon, bổ và chan vào đó tình yêu thương gia đình trong Cơm Nhà – từ nội tâm tự sự của người đàn ông sống tình cảm, yêu thương vợ con, ông trân quý món ăn của vợ làm, từ đó thương cho đứa con đang học xa nhà ngày ngày ăn cơm bụi. Những lý giải luân thường xoay quanh “cơm nhà” đã cho ta những cảm giác yêu thương đùm bọc.
Và sau tất cả lời nói, tiếng cười bên mâm cơm đạm bạc là sự mỹ mãn của mái ấm gia đình. Chỉ cần chan nước mắm, cũng đã có thể ăn hết vài bát cơm ngon lành – Ừ, cơm nhà là vậy. Một anh công nhân nghèo tỉnh lẻ, vỡ tan giấc mộng đổi đời ở xứ người thèm sao tô mì Quảng quê nhà. Tác giả dẫn ta vào một quán café có những em tiếp viên lẳng lơ, hời hợt nhưng lại đưa ta đến những nỗi ưu tư của những kẻ xa xứ, nán lại phố thị trong những ngày tết để tiết kiệm khoản tiền nho nhỏ. Và thế là tô mì Quảng đã lột tả những nhọc nhằn, khắc khoái của một tâm hồn xa xứ, chai sạn và bi ai. Cũng nói rằng, Mì Quảng ơi, giá như…!
Tôi sẽ không dẫn dụ (mở) hết các “món” trong bữa ăn thịnh soạn của Lưu Quang Minh chiêu đãi, cũng bởi tôi biết khi thưởng thức, người ta cần phải đặc biệt cá nhân và tập trung mọi cảm quan. Tôi không làm kẻ chi phối tâm tư độc giả. Thế nhưng, ở cái món kẹo kéo và hủ tiếu trong hai tác phẩm liên quan, tôi thấy có gì đó cô đọng, một sự cô đọng khó cụ thể được bằng sự trích dẫn. Hẳn tôi và bạn sẽ thấy thương cho hai chàng “ca sĩ” trong Ca sĩ kẹo kéo nhưng cũng thật khâm phục tinh thần của họ, một tinh thần không bị khuất phục bởi nhữnh khắc nghiệt của cuộc sống, họ giữ lấy giấc mơ của riêng họ, và giấc mơ đó từng ngày nuôi sống họ, giúp họ can trường, kinh nghiệm hơn trong cuộc sống đầy rẫy thử thách. Dai, ngọt bùi, giòn tan bởi đó là kẹo kéo – bạn hãy thử đi. Từ những ngày đầu sống ở đất Sài Gòn, tôi đã thích món hủ tiếu. Tôi từng ăn tô hủ tiếu bốn mươi ngàn và cũng từng ăn tô hủ tiếu hai ngàn đồng từ xe mì gõ năm nào. Tôi cũng đã bắt gặp sự phân biệt, kỳ thị của những người tầng lớp trên với xe hủ tiếu gõ, hay đã thấy ai đó trề môi chê bai suất hủ tiếu đắt đỏ ở nhà hàng nọ. Chẳng sao. Thế mà Lưu Quang Minh lại có thể khiến người ta đọng lòng đến lạ trong Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn. Trong tác phẩm này, tác giả muốn mách rằng ở đâu đó vẫn có những quan tâm đặc biệt cho nhau, dù sự xa cách không bao giờ được rút ngắn. Đó là cậu bé mưu sinh với tô hủ tiếu gõ và cô bé gái nhà giàu thèm một tô hủ tiếu như vậy từ tiếng lanh canh. Một tô hủ tiếu đặc biệt – cần lắm…
Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi những mẩu truyện ngắn của Lưu Quang Minh, ngòi bút của anh đã giúp người đọc chạm tới cuộc sống một cách chân thực. Ở những tác phẩm của anh là sự sắp đặt dày dạn dưới ngòi bút trẻ sung mãn. Anh gọi những linh hồn lại với nhau, tạo nên tính cách riêng cho mỗi nhân vật. Và tôi tin chắc rằng Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi sẽ là một ấn phẩm thể hiện sự giao thoa vượt trội với ẩm thực và văn chương, như chính tâm hồn của một cây viết trẻ am hiểu cuộc sống đến từng cội rễ.
Sài Gòn 03/05/2013
Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam
(Người sáng lập và điều hành diễn đàn Hoiquantre.info)
Các bạn độc giả muốn trở thành 30 độc giả đầu tiên tham dự buổi kí tặng sách và nhận những phần quà về âm nhạc hấp dẫn của tác giả xin gửi email đăng kí đến diep_nxbvh@yahoo.com. Nội dung email xin ghi đầy đủ Họ và tên, số điện thoại. 30 bạn may mắn sẽ được nhà xuất bản Văn học gửi giấy mời tham dự và nhận quà tặng vào lúc 19 giờ ngày 25/3/2014, tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1, Thành phố Hồ chí Minh.
BT: Vương Chi Lan