netvietnet

Tình ca chiều cuối năm – Vũ Đức Sao Biển

Hai người đi từ cái quán cà phê nhỏ giữa rừng tràm lá vàng ra con đường đất đỏ. Hết khoảng trăm mét, họ đã đến đường nhựa. Bình thường, con đường này ồn ào, tấp nập tiếng cười nói, tiếng bước chân sinh viên vào trường thì nay im ắng một cách lạ thường. Ngày Tết, sinh viên về quê hết cả rồi, các ký túc xá cũng đóng cửa. Cô gái đưa tay ra sau cài lại cái búi tóc. Cô có một mái tóc rất dài nhưng chỉ xõa ra để anh nhìn còn đi đâu, cô vẫn thắt lên thành cái búi rồi ghim “cây trâm” vào. Cây trâm của cô là một cây bút bic giá hai ngàn đồng!

Anh nói: “Anh nghĩ thật lạ”. Cô gái hỏi lại: “Đằng ấy nghĩ cái gì mà bảo rằng lạ?”. “Anh không hiểu làm sao một cô gái như em lại thương yêu một gã cù lần, khờ câm như anh”. Cô gái cười: “Giày dép còn có số, huống gì là em. Mà em vậy đấy, chỉ thích người cù lần, khờ khạo; người thông minh, lanh lợi xin nhường cho kẻ khác. Được chưa?”. “Được, có gì mà không được. Nhưng như vậy thì thiệt hại cho em lắm”. “Làm sao mà thiệt hại ta?”. “Bông hoa lài cặm bãi cứt trâu. Thôi, đi nhanh lên kẻo hết xe đưa anh về thành phố”. “Không hết đâu mà”. Nói như vậy nhưng cô vẫn nắm tay anh, bước nhanh lên.

 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển năm 20 tuổi
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển năm 20 tuổi

Bến xe buýt hiện ra trước mặt, có khoảng chục chiếc xe đang nằm chờ. Hình như những chiếc xe đều ngủ gục bởi không thấy hành khách nào ngồi trên xe. Nắng vẫn chói chang dù trời chiều đã xuống. Mấy hôm nay, trời nắng nhưng không khí vẫn lành lạnh một cách dễ chịu. Cô gái bước vào trạm điều hành, hỏi: “Chị ơi, xe buýt 23 còn chạy không, thưa chị?”. “Còn chạy em”. “Sao em không thấy chiếc 23 nào cả vậy?”. “Em yên tâm, giao thừa mới hết xe 23. Hôm nay ít xe, mỗi chuyến về bến phải đợi 30 phút mới xuất bến. Khách đi ít lắm, chiều 30 Tết mà. Phải đợi em à”. Cô gái quay lại nói với anh: “Yên tâm nhé, ngồi đây một lát sẽ có xe”.
Họ ngồi dưới bóng mát của một hàng bạch đàn, trên chiếc ghế đá cũ mèm. Chiều cuối năm, nắng vàng như lụa, khách đi các tuyến buýt thưa thớt. Cô gái nói: “Anh hát cho em nghe đi. Từ hồi quen nhau đến giờ, em chỉ nghe anh nói, nói và nói, chưa được nghe anh hát”. Anh nói: “Em kiếm cho anh cây guitare cũ với một cái thau đi”. “Để làm gì cơ?”. “Anh giả bộ làm người mù, hát xin tiền. Em giả bộ làm người qua đường, bỏ tiền vào thau cho anh và xúi giục những người khác cho tiền”. Cô gái cười ha ha: “Tiếc quá, em không có tiền lẻ. Để hôm nào có tiền lẻ, em mới làm cái trò câu khách ấy cho anh. Còn hôm nay thì anh cứ chịu khó hát chay, không đàn vậy”. “Vậy thì em kê tai sang gần anh đi. Anh sẽ hát cho em nghe nhạc Boléro nhé. Nhạc này dễ xin tiền”.
Cô gái ngoan ngoãn đưa tai bên phải sát gần khuôn mặt anh. Anh cũng ghé miệng mình sát tai cô. “Anh hát đây. Một bài chia tay người bạn rất dễ thương đấy. Tiễn nhau đi chiều đã phai rồi. Nói bao nhiêu lời cũng chia phôi. Tàu dần đi mờ khuất sương đêm. Người đi càng nhớ nhung thêm. Biệt ly nhớ thương trăm chiều. Càng xa nhau mới thấy thương yêu càng thiết xa. Đừng cho xa cách biến thương yêu thành xót xa…”. Cô gái thì thầm: “Bài hát hay nhưng buồn quá. Nhạc của ai thế nhỉ?”. “Anh không nhớ. Một bài khác nhé. Em ơi anh lên đường phố cũ tìm em chiều hẹn hò. Cho nhau niềm vui cuối tuần. Vì hơn mấy lần vắng em trời kinh đô nghe xao xuyến bước bâng khuâng. Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi. Em ơi dù hai chúng mình. Mộng xưa khó thành, biết nhau rồi quen nhau xin nhớ mãi về sau này…”.
Cô gái nghiêng mặt qua nhìn anh: “Giọng anh hát đẹp lắm vậy mà bấy lâu nay cứ dấu nghề. Những nốt anh xuống trầm cứ ngân nga bên tai em như đàn basse vậy. Hát nữa đi, đây sẵn sàng rửa lỗ tai mà nghe hát”. “Vẫn Boléro chứ?”. “Gì cũng được. Em là đứa con gái dễ nuôi nhất thiên hạ; ăn cái gì cũng xong, nghe cái gì cũng vào”. “Vậy thì được. Người dễ nuôi hãy lắng tai mà nghe đây. Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà. Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta. Muốn không gian đừng tan. Níu đôi chân thời gian. Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài. Trước khi phân kỳ ước sao cho tàu đừng đi…”.
Cô gái kêu lên nho nhỏ: “Trời ơi, tiếng hát anh buồn làm nát lòng em mất. Khai thật đi nhé: Trước nay, anh đã từng hát cho cô nào nghe kiểu như thế này chưa?”. “Có hát nhưng không được hân hạnh hát sát rạt lỗ tai thế này đâu. Phải đứng trên sân khấu mà hát qua micro, chán bỏ xừ”. Cô gái bật cười: “Vậy thì được. Em cho phép anh tiếp tục hát đấy”. “Ừ, thì hát nữa. Hoàng hôn khi nắng tắt cô liêu, riêng bóng tôi ngồi trong quán chiều. Đường xa xa đến biết bao nhiêu nhưng người xưa đã xa tôi nhiều…”.
Cô siết chặt bàn tay anh: “Anh giết em mất. Bài hát buồn kinh khủng. Em nói lại nhé, hai đứa mình không xa đâu. Và nhớ khi nào không có em thì anh không lên đây ngồi cái quán giữa rừng tràm đó và cũng không được hát vào lỗ tai ai khác nghe”. “Dẫu ngu đến bao nhiêu anh cũng không đủ can đảm lên ngồi quán giữa rừng này nếu không có em. Còn nghe nhạc kiểu này chắc chỉ có em là độc nhất trên đời”. “Vậy thì ngoan lắm”.
Cô gái nghĩ mình thật hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên trong đời, cô nghe được một người hát bên tai mình và chỉ để cho một mình cô nghe. Cái cảm giác về một thứ âm thanh thô mộc, chân thật làm cô sảng khoái. Cô nói: “Thôi đổi thể loại đi, kép hát quốc doanh”. “Xin tuân lệnh. Anh sẽ hát cho em nghe nhạc Slow Rock và Slow. Để coi… Người em về đâu đường vắng mưa khuya. Giọt mưa buồn rơi nhịp bước chân đi. Tiếng mưa nức nở đêm đêm. Có nghe giá lạnh con tim. Thương đời ai khoát lên màu tím. Đời anh là con tàu thiếu sân ga. Mà em là chim trời vắng bao la. Chúng ta gió bạt mưa xiêu. Vẫn mong thoát khỏi cô liêu. Xin dìu nhau đi đến tình yêu…”.

 

Giai dieu dat hoc-baoquamnam (26)
“Hay quá. Giai điệu thật lạ mà ca từ cũng thật lạ”. “Em biết đó, ngày xưa người nhạc sĩ lớn lên trong xã hội chiến tranh. Anh ta mất phương hướng, không tìm thấy ngày mai của mình. Tất cả tâm trạng đó anh ta đưa vào trong ca khúc, cho nên bài hát nào cũng buồn, cũng trĩu nặng tâm sự cá nhân. Người ta gọi đó là một thứ văn nghệ cá nhân chủ nghĩa nhưng tâm trạng được thể hiện thì rất chân thực. Những bài hát này hay ở chỗ chân thực đó. Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật. Nghe tiếng mưa rơi bên trời Sài Gòn. Để lòng được sống với thành phố đêm. Vì mai đây nắng lên, phố phường xóa mờ bóng em… Chiều chưa đi màn đêm buông xuống. Đâu đây ngân lững lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng giữa trời. Cùng mây xám về ngang lưng trời”.
“Có cái gì vui một chút hơn Slow Rock và Slow không, anh nhỉ?”. “Có đấy. Tango nhé. Loại này khó viết nhưng nhạc khá sang, phát xuất từ Argentina bên Nam Mỹ. Lòng muốn trao bằng tiếng nói. Bằng lá thư màu giấy mới. Bằng muôn cánh hoa tươi. Bằng môi hé duyên cười. Bằng đôi mắt lả lơi. Từng khúc ca còn nhớ mãi. Từng ý thơ còn luyến ái. Chờ trao đến bên ai. Cùng xây giấc mơ dài. Rồi đi vào tương lai…”. “Hay đấy. Bài này thì em hoàn toàn không biết một chữ. Nữa đi anh. Nghe đẹp lỗ tai lắm”. “Bóc lột sức lao động nghệ thuật cũng vừa phải thôi chớ. Đây rồi các hội nhạc sĩ, hội văn nghệ gì gì đó sẽ kiện em mất. Nghe nhé. Ngày ấy bên sông Thu. Ngồi nghe sóng hát lên đôi bờ. Ngày ấy ta bên nhau. Chia đôi trái sim ngọt ngào sao. Ngày ấy bên sông Thu. Trời như mắt ai xanh ngàn ước vọng. Xõa tóc mây bên đồi. Biết mùa thơ ngây trôi qua rồi…”.
Cô gái tán thưởng: “Giai điệu quá đẹp. Nè, mà sao cái đầu anh lạ vậy? Làm sao mà thuộc cả trăm bài vậy trời?”. Anh cười: “Cái gì mà cả trăm bài? Cả vài ngàn bài lận”. “Sao hồi nãy dám nói với em là anh cù lần, khờ câm?”. “Cái đó gọi là khiêm tốn. Làm người thì phải biết khiêm tốn, trong túi có một triệu nhưng vẫn nên nói chỉ có vài ngàn đồng. Nói thật, người ta trấn lột lấy hết”. Cô gái cười: “Cứ nói dối như cuội đi. Em sẽ trấn lột anh cho anh coi. Ngồi sát lại chỗ em một chút”. Nhìn quanh nhìn quất không thấy ai, cô gái khẽ quay mặt lại, nhìn trân trân vào khuôn mặt anh. Ánh nhìn của cô hiện lên nỗi trìu mến vô hạn. Anh thật quen mà cũng thật lạ với cô. Rồi, mặt cô đỏ lên như có một người khác đã nhìn thấy cử chỉ thân mật của mình. Anh sung sướng như một đứa trẻ được cho kẹo: “Cái này thì vô giá, bạc triệu không mua được”. Cô gái bắt chước kiểu nói của anh: “Cái gì mà bạc triệu? Bạc tỷ cũng không mua được, ông cù lần ơi”.
Một chiếc buýt 23 quen thuộc về bến. Không có khách nào lên xe. Nó còn phải nằm đó đúng 30 phút nữa mới chạy về thành phố. Cô gái nói, giọng không vui: “Mình chỉ còn nửa giờ nữa, đó anh. Hát cho em nghe đi”. “Tự do nhé”. “Dạ. Tự do”. Anh tiếp tục hát vào tai cô: “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu. Tôi còn yêu, tôi cứ yêu. Cho hào quang chiếu sáng thế giới. Cho giải oan rồi, cho tình ra đời, cho người lên ngôi. Ơi người ơi, tôi cố nuôi. Chờ ngày mai sẽ thoát thai. Xin làm cơn gió mới chới với. Bay về bên người, bay về cõi đời, bên người yêu người…”.

 

DSC_2429
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đang trên bục giảng

Một giọt nước mắt của cô rơi xuống gò má; dưới ánh nắng chiều 30, nó cũng có màu vàng như lụa. “Ô hay, anh xin lỗi. Anh không hát nữa đâu”. Cô gái lắc đầu: “Không, anh cứ hát nữa đi; em hạnh phúc lắm. Em biết trên đời, chỉ có em mới nghe được thứ âm thanh hồn nhiên, chân thật như thế này. Anh thật đáng yêu”. “Vậy mà có người đòi bỏ tôi mà đi đấy”. “Đứa nào mà ngu vậy trời?”. “Đứa đang ngồi cạnh tôi, bắt tôi hát ba xí ba tú hồi nãy giờ”. Đùa thì như vậy nhưng anh biết cô nói thật. Anh lại tiếp tục hát vào tai cô, mỗi bài một vài câu. Xuân lại về trên bãi cỏ non/ Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn/ Hoa cười cùng tia nắng vàng son/ Lũ ong lên đường cánh tung tròn… Cô láng giềng ơi/ Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi/ Chân bước xa xa dần miền quê/ Em có hay bao giờ tôi về… Tôi xa kinh thành một đêm trăng mông mênh/ Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương hình bóng ấy người em thơ đang từng giờ đợi chờ. Tiếng hát những chiều thành câu thơ thương yêu/ Bao nhiêu con đường nắm thức giấc giữa đêm khuya vì tiếng nói của con tim đang tìm mộng cuộc đời… Nhìn trăng lên chúng ta cùng múa hát/ Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát/ Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời… Băng qua rừng chiều nắng nghiêng sườn non chơi với. Suối hát quân đi chinh chiến khắp bốn phương trời. Mênh mông đường về cỏ hoa mừng vui chiến thắng. Tiếng súng vang rền chập chùng đồi núi hoàng hôn…”.
Bỗng dưng, anh cảm thấy lòng mình như sống lại thời trẻ thơ. Bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ trên đời đều được anh gửi vào trong tiếng hát. Anh cứ hát những bài quen thuộc ngày nào, mỗi bài vài câu. Năm tháng đã qua lâu, những bài hát ngày xưa còn lại trong ký ức có thể bị quên vài câu, vài chữ nhưng tâm tình thì vẫn như thế. Anh lục lại ký ức, hát nho nhỏ vào tai cô gái và chưa bao giờ anh hát say sưa đến vậy. Cô gái lặng yên, ngoan ngoãn ngồi nghe. Những lời hát của anh đưa cô bay bổng qua ngàn mây bao la, ngàn sóng lênh đênh; khi dịu dàng như hoa xuân chớm nở, khi lạnh giá như mưa đông, khi ngọt ngào như mật rót, khi mãnh liệt như muôn trượng lửa hồng. Chưa bao giờ cô được nghe những âm thanh chân phương, mộc mạc như vậy. Cô biết mình là người hạnh phúc, ít ra là trong chiều 30 Tết trên bến xe buồn như hôm nay.
Có tiếng còi xe vang lên. Chiếc buýt 23 đã nổ máy. Cô gái bảo: “Anh lên xe đi. Em về nhá”. Anh lên xe. Xe chỉ có một mình anh. Nó bắt đầu rời bến. Cô gái đưa tay vẫy rồi đi trở lại con đường vào làng đại học quen thuộc. Anh nhìn theo cái bóng cô. Chiếc bóng mảnh khảnh đổ dài trên đường, xem ra cô độc quá đỗi. Tiễn nhau đi chiều đã phai rồi. Nói bao nhiêu lời cũng chia phôi.

Biên tập: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *