THƯƠNG YẾN TỬ – NGƯỜI KỂ GHUYỆN BÊN DÒNG SÔNG KÝ ỨC
- Hồ Ngạc Ngữ
Tôi quen với anh Thương Yến Tử qua anh Lộng Chương – một nhà thơ tài hoa vốn được anh em quí mến. Đó là những năm Bà Rịa còn là một thị xã, êm đềm, hiền hòa. Buổi sáng rảnh rỗi, các anh thường gặp nhau trao đổi những bài thơ mới viết.

Anh Thương Yến Tử ngồi lắng nghe cười cười, ít nói, mặc dù anh là người quê ở Quảng Nam là xứ sở mà sinh ra những người hay cãi. Gương mặt anh gầy, khắc khổ, tiêu biểu cho người miền Trung từng trải nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Khác với sự lặng lẽ bên ngoài, nội tâm anh chan chứa một sức sống mạnh mẽ, sức sống ấy tuôn chảy vào thơ anh, khiến thơ anh trở nên đa dạng và phong phú.
Anh viết nhiều thể loại thơ, nhiều đề tài. Tình yêu, quê hương, đất nước, những mảnh đời cùng khổ trong cuộc sống. Anh như một chứng nhân của thời đại mình, người kể chuyện bên dòng sông ký ức.
Trong cuộc sống anh là người tài hoa, nhưng trong tình yêu anh có những câu thơ, bài thơ tài hoa không kém
đưa tay vuốt sợi nắng vàng
đậu trên mái tóc dịu dàng mà thương
(lục bát sông Tiền)
bờ môi mận ửng miền quê mẹ
giấu nụ cười duyên mộng chín đầy
(thu xưa)

Hay trong bài thơ viết cho một ngưởi bạn gái ở xa mà anh thương giao lưu trên face book
chẻ tóc ra tìm hương của tuổi
ướp vào lòng giấy trắng long lanh
để nghe dĩ vãng bâng khuâng gọi
và để tìm về giấc mộng xanh
(xuân và em)
Hay là
Từng sóng mắt soi xanh từng nỗi nhớ
rồi từ đó anh về thương cúc nở
vì áo em vàng của màu hoa
anh không thể giấu nụ tình trên lá
hay trên cành khô rúm gió mưa pha
(kỷ niệm chiều cuối năm)
Người ta thường nói, những nhà thơ, những người có tâm hồn lãng mạn và đa tình. Họ luôn luôn tìm kíếm một bóng hình tri âm, tri kỷ. Nhưng điều may mắn của anh Thương Yến Tử là, bóng hình tri âm, tri kỷ ấy chính là vợ của anh người đàn bà cùng anh suốt bốn mươi năm, chia sẻ những cay đắng mặn nồng trong cuộc sống. Những người bạn anh, những thi hữu khắp nơi chắc vẫn còn nhớ người đàn bà miền Tây có nét đẹp tâm hồn thuần hậu, thường xuất hiện trong những buổi giao lưu thơ với bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu của tác giả Viễn Châu và Về Thăm Trường Cũ do chính anh Thương Yến Tử viết cho chị ca. Giọng ca của chị ngọt ngào, giàu cảm xúc chị mất năm 2014, để lại trong lòng anh bao nỗi tiếc thương
Em vôị ra đi không về nữa
để nắng chiều buồn bã đậu trên tay
từng sợi tóc khô gầy thương dĩ vãng
anh săm se bao kỷ niệm đêm ngày
(bốn mươi năm – một cuộc tình 1973 – 2014)
Xé nát thời gian tìm không thấy bóng
Bàn tay anh hóa đá tự bao giờ
Bút xói mòn lòng giấy nhói chơ vơ
Từng con chữ xanh xao gầy như tóc
…
Anh nhặt những hạt mưa chiều vỡ vụn
Để xâu thành từng chuỗi nhớ không tên
(Xuân về nhớ vợ)

Như hầu hết những người xa quê nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, anh Thương Yến Tử dù rời khỏi quê hương đã lâu nhưng vẫn nhớ về vùng đất “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” Một vùng đất có truyền thống văn học và khí phách hào hùng. Có những lúc nhớ quá anh vẫn về thăm quê hương, uống cùng bạn bè vài chung trà, cốc rượu gặp những bà mẹ quê khốn khó
Mẹ còn gánh gió
tóc bay cuối đường
tảo tần chai gót chân sương
nỗi sầu chưa gội
lại vương bụi đời
(lục bát xuân)
Hay
phố buồn theo giấc chợ tan
mẹ về gió chướng lạnh tràn sau lưng
(mẹ và chiều 30 tết)
Buồn dạo cảnh xưa, anh đến thăm Ngủ Hành Sơn, một cụm núi nổi tiếng ở Non Nước Đà Nẵng để rồi nhận ra
Chìm đáy nước hoàng hôn màu tím ngắt
Ngủ Hành Sơn sương khói quyện bơ vơ
(tình quê)
Có lẽ lịch sử thay đổi nên lòng người cũng đổi thay. Nhưng với tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của anh thì chẳng hề thay đổi
Tang thương đã nhuốm hai màu tóc
Mà đóa sen xưa vẫn thắm màu
(về chùa quê)
Người đọc thơ chợt nhớ đến hình ảnh “hoa sen trong biển lửa” của nhà thiền.
Bà Rịa khi mùa đông về, dù thành phố đã có nhiều thay đổi, người ta vẫn thấy từng đàn én bay lượn quanh nóc Nhà Tròn trong tiết trời se se lạnh. Trong cuộc sống tấp nập ồn ào hình ảnh thân thương quen thuộc của những cánh én báo tin xuân khiến lòng người chùng lại
Thơ anh Thương Yến Tử như những cánh én ấy nhẹ nhàng, đằm thắm, dịu dàng, sâu lắng, lặng lẽ báo tin mùa xuân đang đến.
Biên tập: Vương Chi Lan