netvietnet

Thơ – Chê & khen – Văn Khúc

  • Văn Khúc  – Thơ  –  Chê & khen  Hai Phó Chủ tịch, trực tiếp điều hành chương trình, tùy tiện loại ra khỏi Ngày Thơ của thành phố chỉ vì những nhà thơ này thẳng thắn phê phán nhân cách kém cỏi của hai ông Phó Chủ tịch Hội.

Bức tranh thơ Việt đương đại rất đa dạng, nhiều điểm sáng, nhưng cũng để lộ không ít sự xô bồ, thậm chí hỗn độn. Người viết bài này không có ý trình bày một chuyên luận, mà chỉ đưa ra những dẫn chứng cụ thể với những tác giả cụ thể, ở một địa phương cụ thể, trong một không gian cụ thể là Ngày Thơ Việt Nam.

 

Lá cờ Thơ Việt Nam được căng lên trong buổi Lễ kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam hằng năm.
Lá cờ Thơ Việt Nam được căng lên trong buổi Lễ kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam hằng năm.

Trong lịch sử, Thơ Việt đã tạo ra những giá trị tinh thần của dân tộc từ thi phẩm được coi như Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Dân tộc: Nam Quốc Sơn Hà với Lý Thường Kiệt, đến Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, rồi tiếp nối các kiệt tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát. Thơ Việt hiện đại tiếp tục được tôn vinh với những tên tuổi tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quang Dũng, Vũ Cao… Chính
những tác phẩm giàu lòng yêu nước, ý chí quật cường và nhân bản là nền tảng tạo nên Ngày Thơ Việt Nam được Nhà nước công nhận là một Lễ hội văn hóa tổ chức chính thức hàng năm trên khắp đất nước vào dịp Rằm Nguyên tiêu.
Có thể coi Ngày Thơ Việt Nam là ngày Giỗ, tôn vinh các bậc tiền nhân đã có những cống hiến lớn lao vào đời sống tinh thần của Dân tộc, đoàn kết các nhà thơ, quảng bá những giá trị của thơ Việt tới đông đảo bạn đọc.

 

cờ thơ 6
Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam ra ngày 27/2/2016, trong trang Cả nước tưng bừng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIV, đã trang trọng giới thiệu Ngày Thơ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, thông tin do Hùng Tấn (một bút danh khác của Phan Hoàng, trưởng cơ quan đại diện của báo Văn Nghệ tại Tp. Hồ Chí Minh) cung cấp. Theo Hùng Tấn thì “đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh có sáng kiến tổ chức một cuộc tọa đàm về Thơ nhằm nhìn nhận lại đời sống thơ ca thành phố từ phía người sáng tác lẫn bạn đọc trong 5 năm qua (2010-2015).
Nếu theo như tiêu chí “nhìn nhận lại đời sống thơ ca thành phố từ người sáng tác lẫn bạn đọc từ 2010 – 2015” thì thông tin về Cuộc Tọa đàm phải được công bố rộng rãi trên Website của Hội, mời tất cả Hội viên và những người quan tâm đến văn học thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Chắc chắn Cuộc Tọa đàm sẽ nhận được những tham luận phong phú. Thậm chí không cần trả tiền thù lao, thay vào đó là công bố rộng rãi trên Website của Hội và được tuyển chọn in thành sách. Một việc làm như thế hẳn là một sáng kiến đáng giá ở một Hội Nhà văn có đến 500 hội viên, 150 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Cuộc tọa đàm đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Mặc dù Ban Tổ chức (gồm Chủ tịch Hội, hai Phó Chủ tịch, và một số UV.BCH là thành viên) đã thông qua danh sách 20 nhà thơ (gồm 10 nhà thơ đã có nhiều đóng góp cho Thơ và 10 nhà thơ là gương mặt thơ trẻ triển vọng) được coi là nòng cốt trong các chương trình của Ngày Thơ, nhưng thực tế Cuộc Tọa đàm vắng bóng gần 10 nhà thơ tiêu biểu vì nhiều lý do, trong đó có những tác giả từng nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và của Hội Nhà văn thành phố đã bị hai Phó Chủ tịch, trực tiếp điều hành chương trình, tùy tiện loại ra khỏi Ngày Thơ của thành phố chỉ vì những nhà thơ này thẳng thắn phê phán nhân cách kém cỏi của hai ông Phó Chủ tịch Hội.

 

cờ thơ 4

 

Bản tham luận SỨC SỐNG THI CA SÀI GÒN được trân trọng giới thiệu tại Cuộc Tọa đàm. Tác giả của bản tham luận là nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, ngưởi được bạn đọc biết tới rộng rãi với NGÀN CÂU THƠ TÀI HOA, cuốn sách tuyển các câu thơ hay của cả nước, và chuyên luận về THƠ CÁCH TÂN ĐẦU THẾ KỶ 21. Tác giả Nguyễn Vũ Tiềm đưa ra khái niệm Công nghệ thơ cách tân, dùng nó phóng chiếu vào thơ để Chê và Khen. Bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao được đưa vào tầm ngắm để… Chê! Hai câu mở đầu của bài Núi Đôi:

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Bị tác giả Nguyễn Vũ Tiềm chê là thừa ba từ trẻ nhất làng. Sở dĩ có chuyện thừa chữ vì nhà thơ Vũ Cao làm thơ theo lối cũ, nệ vào sự cân đối giữa các câu chữ. Ba từ trẻ nhất làng chẳng những thừa mà còn… sai!

Tác giả Nguyễn Vũ Tiềm đặt câu hỏi: Chẳng lẽ làng ấy không có trẻ em? Từ hàng nghìn năm, tiếng Việt đã có hai từ trẻ và nhỏ để chỉ lứa tuổi. Từ nhỏ chủ yếu dùng để chỉ lứa tuổi từ thiếu niên xuống nhi đồng. Từ trẻ chủ yếu được dùng để chỉ lứa tuổi từ thanh niên trở lên. Sẽ là ngô nghê khi nói “đứa nhỏ một tuổi trẻ hơn đứa ba tuổi”. Việc tác giả Nguyễn Vũ Tiềm phê phán câu thơ “anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” để lộ ra khoảng trống kiến thức về ngôn ngữ Việt. Nhà thơ Vũ Cao viết bài thơ Núi Đôi năm 1955, in lần đầu năm 1957. Ngay sau khi ra đời, bài thơ nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của bạn đọc. Rồi Núi Đôi có mặt trong sách giáo khoa. Một người lính Mỹ đã cất giữ cuốn sổ nhỏ của người chiến sĩ Quân Giải phóng hy sinh tại chiến trường trong đó có chép bài thơ Núi Đôi. Sau đó Núi Đôi được công bố trên báo Mỹ. Nhà thơ Vũ Cao chỉ biết sự kiện này khi nhà thơ Phạm Tiến Duật mang nhuận bút bài thơ Núi Đôi từ Mỹ về trao lại cho ông.

Cố ý hạ bài thơ Núi Đôi, được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ cách mạng thời trước đổi mới, tác giả Nguyễn Vũ Tiềm nhằm đạt tới điều gì? Tác giả Nguyễn Vũ Tiềm chê Núi Đôi để khen thơ cách tân, đặc biệt khen Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội Đồng thơ, người điều hành Cuộc Tọa đàm là “đã thể hiện một thái độ quyết liệt, không khoan nhượng với những nếp quen cũ mòn”. Tác giả Nguyễn Vũ Tiềm viết – Anh Hoàng có những câu thơ giàu sáng tạo:

– Đau những chân trời tư tưởng tật nguyền…

Chân trời và tật nguyền là hai khái niệm có nội dung ngược nhau. Chân trời nghĩa đen là đường phân cách giữa trái đất và khoảng không vô tận. Nó là khái niệm ảo và mở. Tật nguyền dùng để chỉ sự khiếm khuyết, dị dạng, bất hạnh, mang tính cụ thể. Nó có thể tàn lụi chứ không phát triển.

Có thể viết chân trời tư tưởng hoặc tư tưởng tật nguyền, chứ không thể viết

“những chân trời tư tưởng tật nguyền”.

Khen một câu thơ nhảm, thì cả người làm thơ và người bình thơ đều đáng báo động về kiến thức lẫn nhân cách.

Tham luận SỨC SỐNG THI CA SÀI GÒN đã tạo ra phản ứng ngay tại Cuộc Tọa đàm. Nhà thơ Lê Minh Quốc thẳng thắn vạch ra những hạt sạn trong bản tham luận, cho rằng cách bình thơ của tác giả SỨC SỐNG THI CA SÀI GÒN là một cách… giết thơ!

Giết Thơ – cũng đồng nghĩa với việc giết cái lý do chính đáng để tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, một lễ hội mà hàng năm Nhà nước đã phải tiêu tốn hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ… từ đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt của dân.

cờ thơ 5

cờ thơ 7

Biên tập: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *