netvietnet

Thay Thư mời tham gia giao lưu về thơ của Câu lạc bộ Cây Bút trẻ – BTC

  • Tôi tắm mình trong những câu thơ được làm một cách giản dị nhưng chứa thật nhiều ngữ nghĩa cùng sự chiêm nghiệm của một cá nhân

 

Kính mời Các Bạn đến tham gia giao lưu về thơ của Câu lạc bộ Cây Bút trẻ khoa Văn học & Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Lúc: 8g30p thứ 7 ngày 18.02.2017
Tại: Giảng đường D509 – (tầng 5 phòng số 9 dãy D) trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. TP.HCM.

Chương trình kì này đặc biệt có sự tham gia của 3 khách mời: Giảng viên – thạc sỹ Ngọc Phương, nhà thơ Hạnh Ngộ, tác giả tập thơ mới xuất bản Lục Bát múa – Trần Lê Khánh.

Nội dung chương trình:
Lễ Trao giải thưởng cuộc thi Thơ chủ đề Nguyên Xuân của Clb Cây bút trẻ, các khách mời sẽ nói về những vấn đề của thơ hiện nay: Bây giờ thơ mới ít độc giả hay thơ là thể loại tác phẩm kén chọn người đọc từ ngàn xưa? Các bạn sinh viên bây giờ có hào hứng với việc làm thơ và đọc thơ, chép thơ vào sổ tay không? hay Facebook đã trở thành một kênh chia sẻ thơ và đọc thơ hữu hiệu; Là sinh viên khoa Văn, muốn sáng tác thơ ca thì cần những điều kiện và tố chất gì?
Thưởng thức một số ca khúc được phổ từ thơ.

 

Giao lưu với tác giả tập thơ mới xuất bản – tập Lục bát múa. Tập thơ lục bát 2 câu vừa hiện đại vừa truyền thống. Chỉ hai câu lục – bát đã hoàn chỉnh là một bài thơ độc lập từ tứ thơ đến hình ảnh thơ, và khi ghép những câu thơ đó lại với thi pháp láy âm truyền thống thì trở thành một bài thơ dài.

Tập thơ vừa ra đời đã được một số nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học viết lời giới thiệu rất trân trọng như:
“Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình. Ở đây, viết như là tự động, viết như là tự múa…” (Nhà thơ – Giảng viên văn học Nhật Chiêu)
“Có lẽ bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt; trí huệ minh mẫn, tâm hồn hào hoa, Trần Lê Khánh đã hóa thân vào bốn mùa thiên nhiên:
chớm đông, quân tuyết chưa gần/ cây di tản lá xuống hầm hết trơn
Cùng sự tưởng tượng phong phú mà mỗi bài lục bát hai câu của ông rất gợi cảm, gợi tình:
người đi tặng hết chờ mong/ em đem nêm chặt vào lòng gối êm
Khái quát cao, vận dụng hình ảnh đẹp trong đời thực và ảo mà mỗi bài hai câu lục bát đã có một cấu trúc riêng, độc đáo…” (nhà thơ Võ Quê – Nguyên chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Huế)

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh

“Tôi chiêm ngưỡng cái đẹp của hạnh phúc, cái đẹp của sự tàn phai, khoảnh khắc chao nghiêng tình tứ hay nét buồn đầy chất thơ của sự hoàng tàn… trong thơ lục bát của Trần Lê Khánh. Những câu thơ đầy rạo rực, đầy sức sống nhưng cũng được tiết chế bởi thể loại, bởi ý chí của người làm thơ là tạo ra viên kim cương được tinh lọc từ muôn vàn than bùn chữ nghĩa đời thường. Tôi tắm mình trong những câu thơ được làm một cách giản dị nhưng chứa thật nhiều ngữ nghĩa cùng sự chiêm nghiệm của một cá nhân”… (nhà thơ Hạnh Ngộ – Ủy viên Ban chấp hành Nhà văn trẻ – Hội Nhà văn TP.HCM)

Đến cùng buổi giao lưu, các bạn có dịp lắng lại cùng thơ ca và hàn huyên tâm sự với những người cùng sở thích.

Trân trọng!

Biên tập: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *