Tôi về Thái Sơn một ngày xuân, trong tiết thanh minh, trời đất cũng dâng đầy cảm xúc,… Bừng lên nắng ấm. Thoáng đây thôi, đỉnh Cột Cờ còn ẩn hiện trong bụi mưa sương khói, bỗng vụt hiện ra sừng sững, xanh thẫm in trên nền trời lam biếc…
Đền Trạng nguyên Trần Tất Văn ẩn mình dưới những vòm cây xum xuê tán lá. Năm tháng đã dành cho ngôi đền sự khiêm nhường, trầm tĩnh trong đơn sơ, dung dị. Đứng giữa một khuôn viên rộng lớn, tựa lưng vào dãy núi Cột Cờ, ngôi đền trông thật vững vàng, bề thế. Trong tương lai không xa, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, của lãnh đạo UBND huyện An Lão, Đảng ủy, UBND xã Thái Sơn, khu đền Trạng mai đây trở thành điểm tâm linh, lễ hội, tham quan, du lịch, mở ra nhiều tiềm năng mới cho miền đất ”địa linh nhân kiệt”
Ở đây có núi giếng Dành, có ngôi chùa cổ Linh Sơn Tự <chùa Nứa> còn là cơ sở bí mật trong kháng chiến chống Pháp. Trên núi có một giếng nước thiên nhiên-giếng Dành người dân nơi đây giải thích đơn giản vậy. Dưới chân núi có hòn núi nhỏ, dáng tựa bút nghiên, có núi Chồng Sách, Quai Chuông, Cổng Vua…
Miền quê Trạng có truyền thống hiếu học nên người Thái Sơn rất coi trọng học hành, khoa cử. Hiện tại đình làng Nguyệt Ang còn đôi câu đối ghi lại, ngợi ca truyền thống hiếu học đó:
– Một cách văn chương dò đâu đó, nền Tể Tướng, đất Trạng Nguyên, làng Nguyệt Áng ”địa linh nhân kiệt”
– Mấy hàng chữ nghĩa, đáng là bao, cửa Thượng Phủ, nhà Án Sát, đất Cổ Am nguyệt
lộng phong âm
Qua đó cho ta thấy Thái Sơn là miền đất cốt cách hiếu học, con người nơi đây cũng đầy quả cảm giữa hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh Pháp, đuổi Mỹ của dân tộc ta
Tôi len lỏi trên những con đường đất đỏ… Bệt bạt màu son dưới chân núi Cột Cờ cảm nhận Thái Sơn đẹp như bức tranh sơn dầu kỳ thú Đứng giữa đường nhựa, trải dài… Chạy tít tắp về phía xa, thấy toàn cảnh núi Cột Cờ cao vợi, dang rộng vòng tay lớn, ôm trọn đền Trạng với cả vùng quê màu mỡ, bát ngát cánh đồng đang vào vụ chiêm xuân của Thái Sơn
Tâm hồn tôi lâng lâng giữa cảnh trí thiên nhiên, sông núi, đất trời… Thái Sơn rồi đây còn có bao hứa hẹn bất ngờ, cánh cửa rộng mở nơi miền đất hữu tình, để những tâm hồn thi sĩ ngỡ lạc vào một miền sơn cước trong thơ Nguyễn Bính:
”Đường rừng sỏi đỏ như son…”
Miền đất của những người nông dân hiền hậu,cần cù, giản dị cùng một tập thể lãnh đạo đầy sức trẻ, năng động, tâm huyết xây đắp cho quê hương, cho Thái Sơn, cho cộng đồng mỗi gia đình ngày thêm ấm no, hạnh phúc
Những người con xa quê khắp miền đất nước đang náo nức tìm về nơi chôn nhau, cắt rốn, bằng lòng yêu quê, niềm tự hào của người con quê Trạng, mang tinh thần hào khí, nhân văn, cùng vất chất tinh thần vun đắp cho mảnh đất quê Trạng ngày càng khang trang, rạng rỡ
Đền Trạng Nguyên Trần Tất Văn- nơi lưu giữ dấu tích lịch sử, văn hóa, biểu tượng cho tài hoa, học vấn của miền đất Thái Sơn đang mong chờ chúng ta góp thêm những công sức của mỗi người tạo nên một quần thể văn hóa tâm linh là niềm tự hào tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Núi Cột Cờ và đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn tại xã Thái Sơn Huyện An Lão Hải Phòng
viết tại Hải Phòng nhân dịp
du lịch đồng bằng sông Hồng
và lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2014
BT: Vương Chi Lan