Nhà văn Sơn Nam nói: “Vũ Đức Sao Biển là một tài năng lớn của đất Quảng Nam”. Có được ngồi nói chuyện với ông, người ta mới nhận ra tài năng tiềm ẩn đó. Giới nhạc sĩ miền Tây gọi ông là phù thủy của âm thanh.
Hai lỗ tai của ông nhạy cảm một cách lạ lùng. Hai lỗ tai ấy ghi nhận những âm thanh, đưa vào trong trái tim ông và giữ lại đó. Rồi một lúc cảm hứng đến, ông rút những âm thanh, những cung bậc ấy ra và trên nền tảng này, ông tiết tấu hóa lại, phát triển những âm thanh, những cung bậc ấy sâu hơn, xa hơn. Sinh ra ở Quảng Nam nhưng ông viết nhạc Nam bộ còn… Nam bộ hơn những người nhạc sĩ Nam bộ.

Chỉ cần một câu Xuân nữ và một chút Trăng thu dạ khúc, ông đã viết thành Điệu buồn phương Nam, một ca khúc danh tiếng mà tất cả người miền Tây đều yêu thích. Ca từ tha thiết, đậm đà hồn tính miền Nam:
Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi.
Theo sóng vàng cát lở sông bồi.
Còn chi nữa biển dâu đã bao đổi dời.
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi.
Ngôn ngữ dân ca mà nghe ra cực kỳ sang trọng, giàu tính văn học. Bất kỳ người nào ở Nam Bộ cũng yêu câu ca từ “Thương những đời như lục bình trôi”. Điệu thức Phượng hoàng trong đàn ca tài tử Nam bộ khó biết bao nhiêu. Nhưng trong ca khúc Trên sóng Cửu Long, ông viết ra hơi Phượng hoàng rất thoải mái:
Áo trắng ơi, người đi đã mấy thu rồi?
Trên sóng xanh cứ ngỡ ai quay về (ê).
Vầng trăng ai xẻ đôi ra thành hai mảnh.
Nửa chìm đáy sông, nửa lạc ở đầu sông áo trắng ơi.
Tiếng lục huyền cầm réo rắt trong bản vọng cổ trước nay thường chỉ được thầy trực tiếp dạy cho trò, không viết ra thành bản nhạc. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nghiên cứu và chỉ chọn năm nốt cuối. Từ đó, ông viết Tiếng quốc đêm trăng:
Người ấy xa ta rồi.
Còn tiếc chi mà gọi.
Ơi con bạn tình ơi.
Ơi con bạn tình ơi

Phù thủy của âm thanh Vũ Đức Sao Biển đang ngồi trước chúng tôi. Ở nơi ông, tôi nhận ra một nhân cách lớn, bình dị nhưng hấp dẫn, cuốn hút rất lạ. Cái đó không thể diễn tả được bằng lời. Khuôn mặt ông bình thản, thậm chí là nghiêm khắc nhưng sao vẫn gần gũi mọi người đến vậy.
Là nhà báo, ông viết trên 2.000 bài báo đủ thể loại trên bốn tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh là Tuổi Trẻ Cười, Công an thành phố, Thanh Niên và Pháp Luật thành phố. Về hưu, ông vẫn tiếp tục viết mỗi năm 26 bài cho Tuổi Trẻ Cười; 52 bài cho Thanh Niên tuần san và nhiều bài bình luận trên Thanh Niên. Sức viết của ông thật mạnh, “công lực” thật thâm hậu.
Là nhà văn, ông đã được Nhà xuất bản Trẻ in 45 đầu sách, nổi tiếng nhất là bộ biên khảo Kim Dung giữa đời tôi. Văn chương của ông tràn đầy tính trào phúng. Chính vì vậy mà Khoa Báo chí – Truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố đã mời ông giảng dạy 2 tín chỉ Tiểu phẩm – Tạp văn và Tường thuật văn hoá – văn nghệ – giải trí cho sinh viên năm thứ 4 của nhà trường.

Thế nhưng trên hết, ông vẫn là một nhạc sĩ tài hoa, viết trên 200 ca khúc đủ thể loại. Năm 20 tuổi, ông nổi tiếng với Thu, hát cho người – ca khúc làm nên thương hiệu mùa thu Việt Nam. Loại âm nhạc sang trọng này còn được ông tiếp tục với Chiều mơ, Đường về, Đôi mắt, Phượng ca, Chào Apsara… Ông chuyên tâm nghiên cứu dân ca Nam bộ, đưa những giai điệu Nam bộ vào ca khúc mới một cách tài tình. Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Tình ca phương Nam, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long, Về bên cha… là những bài tiêu biểu. Show nhạc Giai điệu đồng bằng 5 của ông diễn ra năm 2005 trên Đài Truyền hình Cần Thơ mãi mãi ghi dấu ấn tốt trong lòng người miền Tây.
Cả cuộc đời ông đã viết khoảng 5 triệu chữ – một con số thật ấn tượng. Đó là chưa kể những bài nói chuyện của ông, những bài thuyết trình về văn hoá văn nghệ mà ông bỏ quên đâu đó trong… máy tính và trong tâm trí người nghe. Bây giờ thì ông đang ngồi đây, bên sông Hậu, ôm đàn ghi ta và hát những bài tình ca. “Chiều nay, trên bến bắc Cần Thơ, có người lữ khách nghe Bolero mà đau thương mênh mông/ Tình yêu, như con sáo số lồng, nước trôi bèo giạt ra đi ra đi và trôi mãi không về”. Trông dáng vẻ “phù thuỷ của âm thanh” hãy còn đẹp lắm và tiếng hát thì tràn đầy cảm xúc, mênh mang trên ngàn sóng sông Hậu.
Vũ Đức Sao Biển sống một cuộc đời trong sạch. Ông làm chỉ đủ để nuôi bà và hai đứa cháu nội. Có vẻ như tiền bạc chưa bao giờ làm bận lòng ông. Mạng Google xếp ông cùng một người Việt Nam khác vào danh sách những danh nhân sinh ngày 12 tháng 2; cùng với Abraham Lincohn, Charles Darwin, Tống Mỹ Linh… Ông có trong danh sách 400 người Việt Nam nổi tiếng “Tâm và tài” trong đầu thế kỷ 21 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Biên tập: Vương Chi Lan