Con đường nhỏ sạch đẹp dẫn vào nơi các cụ già và người bệnh, người tàn tật neo đơn đang sinh sống vui vẻ, ấm áp tình người đó là Cơ Sở Dưỡng Lão Nuôi Dưỡng Người Già – Bệnh Tật – Neo Đơn Điện Thờ Phật Mẫu Trường Tây ở tại Ấp Trường Giang, Xã Trường Tây, Huyện Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh.
Vương Chi Lan và bác Mai Văn Ron
Bác Mai Văn Ron 74 tuổi là người làm công quả cống hiến nơi đây 30 năm rồi, Bác cho biết người khởi lập là do 2 ông Phối sư Lê Phương Hồng và ông Nguyễn Văn Ký thành lập Cơ Sở Dưỡng Lão Nuôi Dưỡng Người Già – Bệnh Tật – Neo Đơn Điện Thờ Phật Mẫu Trường Tây vào năm 1988. Xuyên suốt 25 năm cơ sở hoạt động liên tục. Hồi mới thành lập cũng có những lúc gặp nhiều khó khăn vừa kinh tế và nhân lực… nhưng sự tâm huyết của bổn đạo nơi đây đã đưa ra phương án thiết thực. Những vị hiến thân công quả trọn đời mở phòng thuốc Đông – Tây Y, cơ sở nhang, cơ sở mộc, làm ruộng cơ sở đạo có 4 mẫu đất trồng và đất ruộng, cây trồng là mì, lúa… Nhân lực đều là những người làm công quả, tất cả sản phẩm làm ra đưa về cơ sở chính để chăm lo cho Cơ Sở Dưỡng Lão.
Cơ sở luôn tự lực về kinh tế. Nhưng bên cạnh cũng có sự hỗ trợ của khách thập phương có bao nhiêu thì đỡ cho cơ sở bấy nhiêu. Không chủ trương kêu gọi hay vận động các nơi về hỗ trợ, mà tùy duyên ai biết đến thăm thì đón nhận, cơ sở cũng không để bảng tên nhưng nói đến Cơ Sở Dưỡng Lão Nuôi Dưỡng Người Già – Bệnh Tật – Neo Đơn Điện Thờ Phật Mẫu Trường Tây thì dân trong vùng ai cũng biết.
Ở thời điểm này cơ sở hiên đang nuôi dưỡng gồm:
Nam 39 người tuổi từ 15 – 86 tuổi – trường hợp bại liệt là 6 người
Nữ 52 người tuổi từ 27 – 92 tuổi.- trường hợp bại liệt là 20 người
Phần lớn là các cụ và những người tàn tật. Các cụ sống ở nơi đây được phép vào ra tự nhiên chỉ cần thông báo cho ban quản lý để biết rõ các cụ đi đâu và bao giờ về…, không quản thúc, không bó buộc hay gò ép,… các cụ được tự do ra ngoài nếu có sức khỏe, thăm viếng những người quen biết, hoặc có người quen đến rước về nhà chơi ít hôm… thì những người trông nom cơ sở đều vui vẻ chấp thuận.
Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là những cây thuốc Nam được chặt phơi đầy sân sạch sẽ, mùi hương của những loại cây thuốc Nam bốc lên thơm nồng, tôi hiếu kỳ đi sâu vào trong sân để quan sát không chỉ có những cây thuốc Nam mà phía bên hông của sân còn có phơi những bó nhang xoe tròn chỏng xuống như những bông hoa vàng trên sân, do người dân quanh vùng đến làm công quả cho Điện Thờ Phật Mẫu Trường Tây.
Sân phơi thuốc Nam, lúa, nhang
Đoàn khám chữa bệnh từ thiện gồm 7 người do cô Trương Thị Trầm chủ nhiệm phòng chẩn trị Y Học Cổ Truyền An Bình ở 42A9 khu dân cư An Bình, Phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cô Trương Thị Trầm chủ nhiệm phòng chẩn trị Y Học Cổ Truyền An Bình
Chúng tôi đến nơi vào giấc trưa trông nhộn nhịp trong bữa cơm, đa số là những người già ngồi quanh bàn tròn ăn cơm, tôi cứ tưởng như là bữa cơm đãi bà con ở xa về thăm, nhưng không phải đó là bữa cơm trưa hằng ngày mà các cụ được các đầu bếp cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc bữa ăn chu đáo, chúng tôi cũng được mời vào bàn như các cụ, mâm cơm chay đạm bạc rau củ nhưng qua tay đầu bếp đã trở nên cầu kỳ thịnh soạn ngon miệng, cụ nào khỏe thì ăn cơm, cụ nào răng yếu thì ăn bánh canh, súp… tôi nhìn quanh một lượt không dằn lòng được khi nhìn thấy lác đác vài nơi quanh sân, nơi bậc thềm, hành lang… trên những chiếc xe lăn là những người bại liệt không thể tự ăn cơm được phải cần người đúc cơm, chăm nước khoảng 5-6 vị, chưa nói đến 20 cụ già yếu bệnh nằm tại giường thì đều có bộ phận tình nguyện chăm sóc từ ăn uống cho đến giặt giũ, tắm rửa, thuốc men… mỗi buổi sáng các cụ ở đây được tắm bằng nước ấm, chăm sóc sức khỏe có bác sĩ, lương y của cơ sở khám mỗi ngày, cụ nào bệnh nhẹ thì chữa trị tại chỗ, bệnh nặng cho nhập viện. Cơ sở vẫn còn thiếu phương tiện vận chuyển các cụ khi bệnh nặng đến bệnh viện, mỗi lần như vậy cơ sở phải thuê xe ngoài để đưa các cụ đến bệnh viện ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh để cấp cứu kịp thời. Nếu trường hợp có cụ nào bệnh không qua khỏi, lúc mất cơ sở lo ma chay chôn cất, giỗ quảy đầy đủ theo nghi thức của đạo Cao Đài như một tín đồ của đạo.
Phòng ăn của cơ sở
Sau bữa cơm các Lương Y bắt tay vào việc khám và chữa trị trực tiếp cho bệnh nhân. Các Lương Y hôm nay chữa bệnh chính yếu cho các cụ về xương khớp và câm điếc. đã có hiệu quả thấy rõ là nghe được, nói được trong 20 phút sự vui mừng của bệnh nhân lộ rõ trên khuôn mặt tươi cười, nói được từ chiếc, từ đôi rồi từ ghép ba bốn từ lại ví dụ như ba, mẹ, ba mẹ, anh ơi, chị ơi, em ơi, mẹ ơi ăn cơm chưa… mọi người xung quanh cũng cười theo tiếng tập nói trọ trẹ của bệnh nhân.
Lương Y Lê Thiện Dũng đang chữa câm điếc cho người phụ bếp của cơ sở
Tôi hết sức bất ngờ chứng kiến trực tiếp cảnh Lương Y Lê Thiện Dũng 32 tuổi vỗ 2 lỗ tai, móc miệng vuốt nấn gân cổ… một vài thao tác khác mà người câm điếc có thể nghe theo lời nói của chú Dũng hiểu được và làm theo, nói theo và lặp lại… mọi người vỗ tay sau những tiếng tập nói của bệnh nhân.
Lương Y Lê Thiện Dũng đang chỉnh sữa xương khớp cho bệnh nhân
Người đang đi vừa bỏ gậy tự đi trên đôi chân của mình
Cũng khá vui với một bệnh nhân nữa, người này trạc 45 tuổi chân phải chống gậy mới bước đi được, sau khi được chữa trị. Lương Y Dũng bảo anh ta ngồi dậy tự bước đi, anh không dám bước đi vì sợ té, Lương Y Dũng phải đở anh ta và bắt anh ta bước theo khẩu lệnh. bỏ gậy tự đi… Bước đi khi tự đi được 5 – 10 bước anh ta vui mừng cười tươi đi tới đi lui hoài còn diểu, vừa đi tay vừa múa khiến mọi người không khỏi bật cười.
Một cụ rất yếu 85 tuổi bị gãy gần khớp chân nằm lâu ngày trên giường nên tay chân co cứng lại hỏi cụ giờ cụ đau ở đâu? Cụ nói tôi đau bả vai này quá, tay không giơ lên để buộc tóc được bác sĩ làm ơn giúp tôi. Lương Y Trần Bích Thuận 36 tuổi dùng thuốc xoa bóp, ấn huyệt xoay cánh tay… sau 15 phút Lương Y Thuận đã giúp cụ từ cánh tay không giơ lên được, giờ đã tự giơ tay lên quá đầu có thể tự búi tóc ra phía sau gáy và bả vai không còn thấy đau nữa, cụ vui mừng cảm ơn rúi rít…
Lương Y Trần Bích Thuận đang giúp các cụ bớt đau và di chuyển nhẹ nhàng hơn
Nơi đây chia làm 2 bên Nam – Nữ rõ ràng sạch sẽ ngăn nắp, tư trang của mỗi người gồm có giường ngủ bên cạnh là tủ đứng và một bàn nhỏ trước đầu giường để những vật dụng cá nhân…
Nơi nghỉ ngơi của các cụ
Tôi xúc động trước tấm lòng chân thành và tình thương vô cùng lớn của mỗi con người đến nơi đây để làm công quả chọn những công việc như thế này… không lấy một đồng nào, ngày đến làm việc, tối về nhà với gia đình. Khi làm việc cứ như đang làm việc nhà mình làm hết lòng, có trách nhiệm, có giờ giấc nhất định. Mùa lúa làm lúa, mùa khoai làm khoai,… nói theo ngôn ngữ nhà Đạo thì những người đến đây làm công quả đó là họ đang “ lập công bồi đức”. hướng về tâm linh. Giúp các cụ và người tàn tật bằng tình thương hết cả tấm lòng chân thành
Cơ sở chỉ nhận những người neo đơn già yếu, bệnh tật, không tự chăm sóc được,
Bác Mai Văn Ron cho biết muốn được vào nơi dưỡng lão này, phải có giấy chứng nhận xác thực của Công An địa phương là người neo đơn không nơi nương tựa, không người thân, nghèo khó, bệnh tật… Không phân biệt tuổi tác, tín ngưỡng tôn giáo, ở xa hoặc gần đều được đón nhận.
Nhưng cơ sở cũng có những quy định quyền và nghĩa vụ của người đến sinh sống tại cơ sở này , điều đáng lưu ý nhất đó là khi đến có xác nhận của chính quyền địa phương là neo đơn không nơi nương tựa thì lúc chết thân nhân đến nhận là người nhà xin đưa xác về lo, việc này cơ sở sẽ không đồng ý. Vì khi sống không lo thì chết đưa về làm gì?! Nếu trước lúc cụ mất mà cụ còn khỏe, tỉnh táo có thân nhân đến xin về chăm sóc thì cơ sở sẵn sàng để cụ trở về với gia đình êm ấm xum vầy cùng con cháu. Tôi thiết nghĩ đó cũng là một cách vừa giáo dục cho người còn sống và an ủi cho hương linh của người đã khuất. Tôi cảm động trước những con người hy sinh cho cơ sở Dưỡng Lão Nuôi Dưỡng Người Già – Bệnh Tật – Neo Đơn Điện Thờ Phật Mẫu Trường Tây với tính chất nhân đạo không dùng bằng ngôn ngữ hô hào, kêu gọi, nêu gương, ca tụng… mà họ thực hiện trực tiếp bằng hành động thầm lặng mỗi ngày, làm những việc không tên, làm hoài không hết việc, và sau những giờ làm việc ấy, họ trở về với mái ấm gia đình hưởng những hạnh phúc ấm áp đời thường của riêng họ.