netvietnet

NGƯỜI ĐÀN BÀ BẤT HẠNH – Trần Chánh Nghĩa

14g chiều. Chợ Nhật Tảo (P.4 Q.10 TP.HCM) thưa thớt. Giữa khu nhà lồng chợ, trên một sạp bán hàng, bà cụ nằm im nhắm nghiền đôi mắt. Ở sạp liền kề, người đàn ông tuổi đã về chiều đang giặt giũ. Một áo bà ba và một quần đen phụ nữ được ông vò, xả nhiều lần trước khi cho vào móc treo lên cao…

Bơi giữa chợ đời

Bà cụ nằm trên sạp là bà Trương Ngữ Xảo. Bà đã 82 tuổi da mồi tóc bạc. Bà nằm trên sạp giữa khu nhà lồng chợ đã nhiều năm nay bởi bà không còn khả năng tự chăm sóc mình.

 

Bà Trương Ngữ Xảo.

 

Chúng tôi có mặt tại chợ vào lúc 14g trong những ngày xảy ra cơn bão số 7. Chợ chiều vắng. Chỉ lác đác vài sạp hàng còn bày biện cố vớt vát thêm chút thu nhập trong ngày. Bên ngoài, trời mưa nhẹ. Ở giữa dãy sạp dài hàng trăm mét, bà cụ Xảo nhắm mắt nằm im, hơi thở đều đặn. Gương mặt bà thanh thản đến lạ lùng.

Đến gần bà. Sạp bà nằm có diện tích chưa bằng một chiếc giường đôi. Bà nằm lọt vào giữa, chung quanh là những vật dụng cần thiết. Chiếc chăn bà đắp, chiếc gối bà nằm, áo quần trên người bà sạch sẽ tinh tươm.

Bà vẫn còn nghe, còn trả lời, còn nhận biết người quen kẻ lạ. Chỉ có đôi mắt bà không còn sáng như trước. Bà cũng không thể tự mình giải quyết những sinh hoạt cá nhân. Tiêu, tiểu, tắm gội. Thế mà, lạ lùng thay mái tóc pha sương
của bà suôn mượt. Giắt trên đầu chiếc trâm cài, tóc bà vuốt thẳng ra sau. Da dẻ nhăn nheo nhưng khuôn mặt bà vẫn hồng hào sáng sủa. Nếu không ở chợ, đố mấy ai biết bà là người không có nhà cửa con cháu.

 

Nơi bà Xảo cư ngụ.

Chuyện kể về bà từ tiểu thương đến các bà nội trợ thường lui tới chợ không ai không biết. Bà là người có mặt tại chợ Nhật Tảo này khi ngôi chợ còn mang tên chợ Da Bà Bầu. Bà đến buôn bán rau cải ở chợ từ hơn 40 năm về trước, sau một biến cố của gia đình.

Sống trong một gia đình giàu có trên đường Nguyễn Tri Phương, bà lớn lên cùng bố mẹ và anh chị. Bà cũng có chồng nhưng lại hiếm muộn. Rồi sau đó, gia đình bà tan đàn xẻ nghé mỗi người mỗi nơi. Bà đến chợ với mớ rau cải trên tay, ngồi chồm hổm bán buôn kiếm sống qua ngày…

Bà cũng thuê một căn phòng trọ gần đó nhưng rồi với thu nhập khiêm tốn, với sức lực của người phụ nữ chưa quen gian khổ, bà không còn khả năng chi trả. Bà ra sống hẳn dưới tán cây dù che mưa nắng…

Trong khoảng thời gian này, đứa con gái nuôi, người thân duy nhất của bà đã bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Cô độc một mình, bà Xảo vẫn kiên gan bền chí sống tiếp những ngày còn lại.

Có thể nói, sức sống của bà Xảo thật mãnh liệt. Từ là một cô gái trong gia đình giàu có trở thành một thiếu phụ suốt ngày vật lộn mưu sinh, bà vẫn hiên ngang sống giữa chợ đời. Bà không làm điều quấy, lại vui vẻ với mọi người để
rồi đến bây giờ bà nằm đó, ai ai cũng ghé qua thăm bà mỗi lần đến chợ…

Hiếu tử không cùng huyết thống

Chúng tôi trở lại chợ Nhật Tảo vào buổi sáng. Tất cả các sạp hàng đều đầy ắp hàng hóa. Người đến chợ tấp nập. Bà Xảo vẫn nằm đó lọt thỏm trong diện tích nhỏ bé của bà.

Sinh họat chung quanh vẫn diễn ra bình thường và đều dặn. Sáng nay bà ngồi tựa lưng vào thùng chứa vật dụng nhìn lãng đãng cảnh vật chung quanh. Chị tiểu thương ngồi bán gần bà cho biết đôi mắt không còn thấy được nhưng tai bà còn nghe. Bà ngồi đó nghe những âm thanh quen thuộc từ hàng chục năm nay. Từ hồi còn khỏe, còn bương chải kiếm miếng ăn đến bây giờ bà nằm một chỗ, âm thanh ở chợ vẫn thế. Nó trở thành nhu cầu tinh thần
không thể thiếu với bà…

Chị Phạm Bích Liên, tiểu thương ngành gạo cho biết bà sống được đến ngày hôm nay là nhờ vào sự đùm bọc và yêu thương của mọi người chung quanh. Với họ, bà không có quan hệ huyết thống, không có mối dây ràng buộc nào nhưng tự dưng ai cũng thương bà. Thuở còn làm việc được bà cần mẫn chăm chỉ và có quan hệ khá tốt với những người chung quanh để đến bây giờ, khi không còn khả năng lao động họ chung tay chăm sóc bà.

 

Đút cơm

 

Giặt giũ

Câu chuyện giữa chúng tôi và chị Liên bị đứt quãng bởi sự xuất hiện của một người đàn ông. Ông đến với bà cụ trên tay bưng một tô cơm. Ngồi sát vào bà, ông ghé vào tai : “bà ăn sáng nhé”…

Từng muỗng cơm người đàn ông này đút vào miệng bà một cách trân trọng. Bà nhai chậm rãi. Cứ thế trong hơn 10 phút, tô cơm trên tay người đàn ông vơi dần rồi hết nhẵn.

“Bà ăn còn được lắm”, chị Liên nói với chúng tôi. Chị kể, một ngày bà ăn nhiều lần và cũng chỉ người đàn ông này mớm cho bà. Ba năm nay, ngày nào cũng thế anh Minh – tên người đàn ông – đều đặn làm cái công việc của một hiếu tử.

Ông là Trần Minh trước đây bán giày dép trước căn nhà của mình, cách nơi bà Xảo nằm chỉ một lối đi nhỏ. Gia đình ông không khá giả gì nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Gần đây, ông không còn buôn bán nữa, cho thuê lại
mặt bằng để hàng ngày anh dồn sức chăm người vợ bị bệnh, cha già 90 tuổi, 3 cô con gái và… bà Xảo.

 

Giấc ngủ giữa chợ của cụ già trên 80 tuổi

 

Nhìn cách ông chăm bà Xảo, chúng tôi chợt nghĩ đến trong xã hội hiện nay, được mấy ai làm được công việc như ông Minh ?. Ngay cả với cha mẹ ruột mình, bao nhiêu tiền cũng có thể bỏ ra nhưng chăm bón từng miếng ăn giấc ngủ vẫn là điều không thể đối với nhiều người. Vậy mà ông Minh vẫn ngày ngày lo cho bà Xảo mặc dù giữa hai người chỉ là người dưng xa lạ…

 

Bà con tiểu thương thường ghé thăm cụ Xảo.

Bà con tiểu thương thường ghé thăm cụ Xảo. Phía sau, ông Minh đứng trước nhà mình dõi mắt theo dõi cụ bà.

  • VIETNAMNET

Biên tập: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *