Vào lúc 9 giờ ngày 5 tháng 10 năm 2014, tại café Hương Quỳnh số 42/59 Hoàng Hoa Thám, Phường 7, Quận Phú Nhuận, TP.HCM diễn ra buổi giới thiệu Ngày Thơ Nguyễn Mậu Triết của tác giả Nguyễn Mậu Triết.
Đến tham dự có đông đảo bạn bè, thân hữu và người thân đến chúc mừng Ngày Thơ Nguyễn Mậu Triết. Do Nhà thơ nhà báo Đoàn Vị Thượng chủ trì buổi ra mắt tập thơ Thơ Nguyễn Mậu Triết. Được diễn ra trong không khí ấm áp tình bạn bè thân hữu của các nhà văn, nhà thơ cùng thế hệ và đồng hương Quảng Ngãi của Nguyễn Mậu Triết, Đặc biệt có sự hiện diện thầy giáo Nguyễn Phước Lai dạy môn tiếng Anh từ năm lớp 6 đến lớp 9 tại quê nhà và Thầy Đỗ Lệnh Hùng Tú Nhà biên kịch – Đạo diễn cũng đến chia vui với anh. Bên cạnh anh, chị Ngọc Bích là người bạn đời tri kỷ đi bên anh, làm đẹp cho anh cùng hưởng chung bầu không khí hạnh phúc ngày thơ thêm phần sinh động và lãng mạn.
Nguyễn Mậu Triết người con đất Quảng Ngãi vào Sài Gòn từ năm 1990, anh đi dạy đan lát cho các cơ sở tư nhân ở Quận 6, Q. Thủ Đức, Q.12, tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long… Dù tất bật với công việc nhưng trong anh đầy ắp những cảm xúc về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, anh làm thơ rất nhiều, anh viết cho vợ, cho con, cho quê hương và bạn bè của anh… Những lúc “trà dư tửu hậu” anh đem ra đọc cho các bạn cùng chia sẻ, bên cạnh đó anh còn viết nhiều bài thơ say có vui, có buồn… Những bài thơ của anh được chọn lọc đến nay anh mới cho ra tác phẩm đầu tay Thơ Nguyễn Mậu Triết, NXB Văn Học năm 2014.
Mở đầu tập thơ là bài thơ Mở anh viết:

Thời gian trôi
rồi đồng khô cỏ cháy
một góc trời mù mịt
gió
tro bay
dòng sông chảy
con đò say sóng ngược
cuối con đường người bước vội
hồng phai
Với một người từng trải, anh đi nhiều tỉnh thành trong nước, đi qua và cảm nhận góc nhìn riêng của anh về từng vùng miền… Với anh, Thiên nhiên, tự nhiên vốn có là đẹp, cái đẹp không chỉ bên ngoài cái ta nhìn thấy bằng mắt, sờ, nắm được,… mà cái đẹp trong tâm hồn, anh nhìn cái đẹp theo cách của anh. “Con đò say sóng ngược” con đò say hay chính người ngồi trên con đò đang say… Say trong chén hay chếnh choáng với cái đẹp hữu tình sông nước, say mà thú vị đến thế thì ai cũng muốn được một lần say.
Trong bài Chiều say:







Mưa xé toạc dáng chiều
hoàng hôn về vội vã
ta xé toạc lòng mình tìm gặp bóng hình em
vẫn dịu dàng cuộn tròn trong nỗi nhớ
mà nỗi nhớ cay nồng hơn men rượu
cho ta say
chiều nay
và mười năm rồi vẫn thế
những cơn mưa cứ ngập đầy kýức
trôi bồng bềnh kỷ niệm
ta cấu cào lên vết thương vừa kín miệng
say… trong cơn đau
Sự khao khát tình yêu cháy bỏng, tác giả muốn xé toạc lòng mình tìm bóng hình người trong mộng, anh say khướt trong nỗi nhớ cuồn cuộn khi yêu, tình yêu đúng là mãnh liệt anh dồn nén 10 năm ngập đầy ký ức và ngập đầy nỗi đau, anh vẫn đi tìm cho dù:
Tình tan theo mùa rơi
rớt cuối vàng thu cũ
dấu tan trong sương mù
vết tàn treo hoang vu…
Hay những chùm thơ ngắn:
Tình trở giấc muộn
vay đùa tan vỡ
vong buồn nức nở
chạm sướt nguyên sơ…
Và trong bài Đợi quên anh viết:
Gương mờ…
bụi phủ mù căm
bôi xưa rỏ nhớ
âm thầm gọi tên…
Nguyễn Mậu Triết gặm nhắm nỗi cô đơn, và trống vắng về tình người, tình đời, cô đơn ngay chính anh anh chạm phải bóng mình, hồn phiêu về nỗi nhớ tuổi thơ, những ngày tháng cũ ùa về trong anh qua bài Chạm bóng:
Với tay!
chạm bóng mình trên cỏ
chạm vô tình màu cũ trắng nôn nao
gió thì thào qua âm thanh dòng phố
uống mơ hồ ta níu tuổi thơ bay
rải ngọt ngào theo chân ai bước phố
theo về
Chạm bóng
bên tường vôi cũ
rơi bàng hoàng
sót một vệt xanh
Bao điều anh chia sẻ, gởi gắm qua thơ những lúc anh không say hay anh say khướt, thì những vần thơ say như trào lộng trong thơ bài Khúc tửu ca chạy dài miên man, làm cho người thưởng thức thơ say cũng chếnh choáng theo trường khúc xuyên suốt bài thơ. Tác giả uống rượu không dùng ly mà dùng “chén”, từ “chén” được lặp đi lặp lại khiến người đọc không uống cũng say.
Rượu ngon…
ừ chén rượu ngon
nhân gian
được… mất
vuông… tròn
trả… vay
…
Rượu nầy rót
chén riêng ta
trong cơn ngất ngứ
sao còn trớ trêu?
…
Rượu ai?
một chén tiểu yêu
mềm môi
cạn
đốt nguyên chiều ta đau
…
Hương bày…
nửa chén vừa… phai
bờ môi nhạt
chạm…
hương ngây dại…
chờ
giọt…
từng giọt rụng
ngu ngơ
chao trong chén
giọt vỡ thơ
ngụm chiều…
Và còn nhiều “chén” nữa… Xuyên suốt tập thơ nghe ra tác giả cứ như người say xưa, nhưng thực tế thì tác giả không say bằng cái say của người thật mà say ở cửa sổ tâm hồn, say vì nhân tình thế thái, tác giả đánh lừa người đọc mà chính anh thì rất tỉnh mới biết mình đang say…
Đã mùa thu chưa?
tôi không biết!
chiều cứ vàng
lá cứ rớt quanh năm
gió cứ thổi
qua ngày hiu hắt
đêm lạnh nằm
chổ rúm co ro…
Ai hỏi tác giả về mùa thu, tác giả vì say nên tác giả không biết đã mùa thu hay chưa? Nếu hỏi nữa thì tác giả bảo tôi không nhớ, nhưng biết “mùa thu màu gì bên phố em qua? lá rụng vàng?” mùa thu đến, mùa thu qua tác giả không đợi chờ, trông ngóng “Đã mùa thu chưa? không đợi!”… tất cả là tự nhiên, mùa nào với tác giả cũng đẹp, cũng cô đơn man mác…
Nhưng cuồn Thơ Nguyễn Mậu Triết không bi lụy mà miên man theo cảm xúc, cái tinh tế mà tác giả cho người đọc cảm nhận sự say tâm hồn, thấy cái đẹp, cái thú vị trong thơ khiến người đọc bài thơ đầu thì muốn đọc tiếp bài thơ sau… và lôi kéo người đọc đồng cảm về phía tác giả đó là cái lạ, cái nghệ thuật trong thơ Nguyễn Mậu Triết.
Biên tập: Vương Chi Lan