netvietnet

Lời bình “Hình như là mưa Ngâu – Tác giả Dương Hằng” – Lan Chi Lan Chi

CHA

Cô bé « Tôi » cứ thế mà lớn lên, gởi niềm thương nỗi nhớ, những khao khát dằn vặt vào cái núm đất mà em tự đắp trong vườn rồi thắp lên một nén nhang với lòng thành kính, ngỡ như đó là trốn thiêng, nơi mà cô bé tội nghiệp cứ thế mà ngỡ về người cha đang ở phía trời cao kia đáng yêu lắm, đáng thương lắm. Và biết bao điều giá như được cô bé chắp cánh cho giấc mơ của mình trong niềm khao khát giá như cha còn sống…

Đọc đến đoạn: « Tôi thường vẽ ra hình ảnh về ba. Đẹp lắm! Ba sẽ bế thốc tôi lên chiếc xe thồ cũ nát đi ra đồng chở lúa ngô về. Những ngày gió, ba sẽ cùng tôi làm những chiếc diều bằng xương dừa vuốt mỏng và uốn cong. Tôi đuổi theo cánh diều. Diều đuổi theo gió. Cha đuổi theo bước tôi. Nghĩ đến dừa, chợt nhớ đang mùa trĩu quả. Chắc vài bữa nữa mẹ sẽ qua nhà ông hàng xóm nhờ trèo hái giúp. Lúc ấy, tôi rơm rớm nước mắt, giá mà…
Điều ước thành sự thật, tôi có cha».
Với cách viết đan cài giữa thực tại và giấc mơ, Hằng Dương làm sống dậy cả một trời thương từ tấm lòng khao khát của cô bé vốn thiếu thốn tình yêu của người cha, em không có kỷ niệm với cha nên mọi mường tượng đều lướt nhanh như một thước phim ngắn, không có đầu cũng không có kết, mơ mơ hồ hồ, nhưng tất cả đều quắn quanh một hiện thực đời sống nghèo của em đó là chiếc xe thồ cũ kỹ, là cánh đồng làng với ngô với lúa, với cánh diều được làm từ những xương lá dừa được vót mỏng và uốn cong, đó là những thước phim bay bổng của một giấc mơ đẹp về tình cha con, nó phiêu đến độ chính người đọc cũng muốn hóa thân cùng nhân vật để được tận hưởng niềm hạnh phúc cùng cô bé. Có “nhẽ” ngỡ ký ức này đã nuôi cho em thành người với biết bao ý nghĩa sáng trong, nó giúp em lớn lên, đẹp dần lên trong mái tranh nghèo cùng người mẹ gần như đã khô kiệt tình yêu, chỉ còn tồn tại như một sinh vật xem việc sống như là sự tồn tại.

MẸ.

Khi điểm qua những giấc mơ đẹp về cha của cô bé ta mới lý giải được tại sao cô bé có thể chịu đựng được những gì gọi là thô thiển, cục cằn của mẹ trong cuộc sống hiện thực. Điều đó càng cắt nghĩa trái tim cô có sự đồng cảm khá sâu sắc về mẹ. Những gì cô đau, mẹ cô cũng đau. Mẹ và cô đều côi cút giống nhau, tựa vào nhau mà sống, sống như một ngọn đèn muốn được tỏa sáng nhưng hiện thực nghiệt ngã làm cho người đàn bà tội nghiệp không có cơ hội tỏa sáng. Một tâm hồn khao khát sống lẫn trong hiện thực lem luốc, nhọc nhằn.
Cảm nhận của cô bé về mẹ mình là một người:
Có cái vẻ bề ngoài xù xì thô kệch, thô thiển trong lời ăn tiếng nói, thô thiển trong cả quan hệ mẹ con, có “nhẽ” không mấy người con nào nhìn về mẹ mình với một dáng vẻ xộc xêch đến thế:
«Bàn tay chằng chịt xác rau, xanh lè, bàn chân máu bùn, máu rạ in hằn chả buồn kì cọ cho sạch» rồi «Cử chỉ âu yếm hay vỗ về một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ có từ mẹ. Ngôi nhà chỉ có hai mẹ con mà om sòm bởi tiếng chan chát, đanh chua. Mẹ chửi tôi, rồi bâng quơ chửi đời. Mười tám tuổi, thiếu nữ đã sinh và nuôi con một mình với bao vất vả, cực chẳng đã mới phải chửi ra như cách để bà gỡ nỗi lo, tủi hờn bận bịu ra khỏi tấm thân béo tròn, cục mịch mà ngỡ mình nhẹ người đi mươi mười kilogam – tôi thường vin vào ý nghĩ ấy để thương mẹ. Nếu mẹ định bỏ tôi, thì đã không đèo bòng mười bảy năm nay, ngay cả khi tôi chẳng làm được gì giúp mẹ. Kỳ thực, những lúc mẹ chửi, ý nghĩ dồn đuổi tôi về cha… Tôi nương vào những giấc mơ có nụ cười hiền từ của cha để bớt giật mình bởi tiếng chửi còn văng vẳng bên tai…»
Nhưng em không tỏ ra oán giận mẹ mà thường tìm ra những lý do để cắt nghĩa cho cái hành động thất thường và vô lý kia của mẹ. Phải chăng suy nghĩ của em đã già dặn hơn tuổi của mình? Một cô bé ở độ tuổi vị thành niên tự đâu mà có một cách nghĩ già giặn trước tuổi làm vậy?
Em rất biết đọc cảm xúc của mẹ, mỗi biểu hiện của mẹ đều được dẫn dắt cắt nghĩa từ những nguyên nhân sâu xa. Em thương mẹ nhưng em chưa đủ lớn để gánh vác, san sẻ nỗi nhọc nhằn, nỗi khổ tâm cùng mẹ, em giúp mẹ bằng cách im lặng khi mẹ có biểu hiện thất thường, giấu kín những điều em còn nghi ngại về cha chỉ để chờ cơ hội cho mẹ tự nói ra. Có “nhẽ” nói được ra cảm xúc ngoài cửa miệng, mẹ mới nhẹ đi chút ít trong cái vựa khổ đau mà em gọi là «cực chẳng đã» Em đã phần nào «đọc» được những gì mẹ đang trải qua, đó là tuổi mẹ còn xanh, mẹ ở vậy nuôi con một mình, lam lũ mà vẫn không thoát khỏi đói nghèo… Còn cái gì đó tàng ẩn trong mẹ, em chưa đủ lớn để nhận ra.
Cái ngày mà em phát hiện mẹ cũng một thời là người đẹp đồng thời cũng là lúc mẹ nói về cha cho em hiểu. Nhưng mẹ chỉ nói một phần thôi, cái ý nghĩ đẹp về cha của em vẫn còn nguyên khôi. Em hỏi mẹ «sao không giữ cha lại», mẹ cũng chỉ nói nếu cha ở nhà thì chết đói, không hơn không kém. Cũng bởi vậy mà em cứ thế mà lớn lên, trong rời rợi như nước giếng khơi vậy.
Nếu câu chuyện chỉ dừng tại đây thì chưa có gì để nói.
Nhân vật «Tôi» tiếp tục đưa người đọc đến một thế giới mới, thế giới ẩn sâu trong tâm hồn em mà một người chạc tuổi em hiếm khi thấy. Cái thế giới được tạo ra bởi hoàn cảnh trớ trêu.

BỘ MẶT THẬT CỦA HIỆN THỰC.

«Một người đàn ông đi cùng mẹ về tối nọ. Mẹ bảo ông ấy sẽ sống cùng mẹ con tôi trong ngôi nhà này. Nghiễm nhiên ông ấy thành cha tôi. Ông ấy béo, bệu và cục mịch. Ông ấy không ở lì nhà tôi cả ngày, ông chỉ đến vào lúc nhập nhoạng tối, ăn cơm cùng mẹ con tôi, rồi sáng hôm sau đi sớm. Cổ ông ấy đeo một dây chuyền vàng to bự, nhìn cách ăn mặc cũng đủ biết là lắm tiền.»
Ngay sau khi người đàn ông lạ xuất hiện đã gây cho em những phản ứng, phản ứng đầu tiên là em lặng lẽ quan sát người đàn ông.
Chi tiết mà tác giả Dương Hằng đặc tả người đàn ông «béo, bệu và cục mịch… cổ đeo một cái dây chuyền to bự, nhìn cách ăn mặc của ông ấy đủ biết là người lắm tiền» được phản qua lăng kính nhân vật “Tôi”
Tác giả tiếp tục để «Tôi» quan sát cách ăn của người đàn ông từ chi tiết cắn quả cà chát ngoéo đến lua đũa cơm… Tạo cho em một linh cảm không thể xem con người này là cha được.
Ngần ấy quan sát của em đã dự cảm lành ít dữ nhiêu, mãi đến khi mẹ em dằn từng chữ «Mày phải gọi ông ấy là cha, vì ông ấy có tiền. Mày muốn mẹ mày khổ mãi à?» em mới chịu phục tùng mẹ, nhưng sự phục tùng như một sự cưỡng bức, em đâu biết mẹ không thể cho em biết một sự thật mẹ đã muốn giấu em từ lâu lắm rồi, không muốn em bị tổn thương như mẹ. Điều này em đã hoàn toàn không đọc được từ mẹ.
«Con không thích gọi ông ấy là cha.
– Mày muốn có cha cơ mà?
— Cha chết rồi.».
Những đối đáp của hai mẹ con báo hiệu trong nhà sắp có bão, về phía «Tôi». Em khóc như mưa, như chưa tùng khóc, tiếng khóc vốn «khô cong» trong đời em vì đã có qúa nhiều cái để khóc nhưng không thể khóc ra được nữa. Tiếng khóc hồ như em dành để khóc cho cha mình, cho cái hiện thực trớ trêu mà em buộc phải chấp nhận. khi đọc đến đoạn này người đọc cũng nghẹn lại vì thương «Tôi». Em không có cơ hội được dìn giữ hình ảnh cha trong trái tim mẹ con em. Với em, cha chỉ có một và duy nhất, cha của em phải là người chiếm trọn tình thương yêu của em trong trái tim thơ trẻ này, em chưa từng biết mặt cha nhưng nhất định cha em không phải là con người có cái thân hình cục mịch, mà nếu không nhìn thấy ông ấy đưa cục tiền cho mẹ em không thể tin được nổi ông ấy là người lắm tiền.
Những cảm xúc về người lạ chi phối trong giấc ngủ và bữa cơm của em. Em ngấm ngầm quan sát người cha hờ và mẹ, quan sát những âm thanh sảy ra xung quanh em, những động từ «tiếng thở mạnh, tiếng ấm ứ, tiếng giường kèn kẹt…» tác giả Dương Hằng rất khéo dẫn dắt người đọc hình dung ra cảnh gợi tình ân ái mà một trái tim thơ trẻ chỉ có thể hiểu được thông qua những âm thanh của phòng the. Lúc này người đọc bắt đầu nhận ra em đang bị quấy rối tình dục một cách gián tiếp. Em phải nghe những âm thanh chỉ giành cho người lớn. Nhưng có lẽ mãi tới khi em tắm lúc mẹ vắng nhà thì mọi cái mới bắt đầu lộ ra nguyên hình của nó.
“. Chớp nhoáng, gã xông vào. Tôi không đủ sức để vùng vẫy. Tôi cắn chặt môi, móng tay bấu chặt vào bờ vai vạm vỡ của gã. Hình ảnh cha thoáng hiện ra như sự cầu cứu. Tôi lịm đi trong tiếng nấc và cơn rát giày vò. Đêm đấy, tôi không về. Tôi ngồi ở khúc sông cuối làng. Bỗng nhiên lại thèm cơn mưa ngâu tắm táp»
Lúc này người đọc đã nhận ra con quỷ đội lột người đã cưỡng dâm «Tôi» và một lần nữa em lại cầu cứu cha trong tâm tưởng. Ngay lúc này hình ảnh người cha trong em vẫn có cái gì đó tròn đầy và có sức mạnh của tâm linh, gã đàn ông kia là của thế giới hắc ám, thế giới của quỷ dữ đang hủy hoại trái tim em bằng dục vọng của con thú mặt người. Nhưng niềm tin về cha không đủ lớn để em được cứu ra khỏi cái thế giới nhơ nhớp kia. Thiên thần bé nhỏ của chúng ta không cưỡng nổi cơn khát vồ vập thú vật của gã mà mẹ em đã bắt em gọi là cha. Cha, cha ơi, cha là ai? Ôi! Tiếng cha hố sâu vực thẳm, địa ngục bày giăng…
Bi kịch chưa được đẩy đến cao trào, bởi lẽ con chim bé nhỏ kia chưa nhận ra thân phận cha mình, thành trì, thần tượng về người cha chưa bị lung lay.
Em ngày ngày sống trong sự ám ảnh, đôi lúc đang tắm, dẫu không có gã em vẫn cảm thấy không an toàn, vì cái tấm liếp nhà tắm kia gã cha hờ của em có thể đạp phăng bất kể lúc nào nếu hắn cố rắp tâm, mẹ em đó nhưng nào em có thể mở miệng cầu cứu, em nói ra nỗi niềm của mình liệu mẹ có tin em không, một khi mẹ em vẫn đêm đêm say trong tiếng hổn hển?… Con chim bị thương không cành neo đậu, em chỉ bấu víu vào cảm xúc của mình thôi, mà cảm xúc ấy đâu có vin vào được.
Chi tiết: «đi ngang qua cửa nghe thấy tiếng rên rỉ khẽ khàng, lòng tôi lại đau quay quắt, tim như bị miếng sành vỡ cứa thành vạn ngàn vết xước.» Cũng khiến người đọc thấy thương em hơn và căm thù cái gã dê dúa kia, nhưng khổ nỗi tác giả Dương Hằng còn muốn đày đọa cảm xúc người đọc, còn dằn vặt nhân vật «Tôi» bên ngoài phòng the, bởi lẽ đây chính là bi kịnh của một gia đình đang được bày ra một cách trớ trêu. Mỗi nhân vật ai cũng phải đóng trọn vai của mình. Kịch tính vẫn chưa được mở nút.
Cảm giác «Đầu óc tôi váng vất hình ảnh lão nuốt chặt lấy núm vú, một tay giữ chặt tôi, một tay dờ dẫm xuống dưới. Tôi nhắm nghiền mắt, dội nước tới tấp, và cọ sạch thân mình bằng miếng bánh xà phòng.» đan cài với những âm thanh «Tiếng to nhỏ lầm rầm, chan chát như đay nghiến, không phải âm thanh ấm ứ hay kèn kẹt, lại khiến tôi bật dậy, nép vào cửa buồng.» đã khiến cô bé không còn là cô bé hồn nhiên và trong sáng như cái thuở nào cô ngồi trên chiếc xe thồ cũ kỹ của cha, tay cầm chiếc diều làm bằng xương dừa nữa. Tim cô bé đã vỡ vụn bởi những nhục dục đầy ắp trong không gian gia đình cô.
Đôi lúc hoảng loạn ngay cả khi không có gã cô cũng dùng xà phòng trà khắp người mình mong tẩy được vết nhơ trên thân thể mình.
Những hoảng loạn, ngờ vực, những trải nghiệm đau buồn đã làm trái tim «Tôi» tan nát, sở dĩ em còn sống được bởi vì «Tôi» còn bấu víu vào người cha trong tâm tưởng.
Khi em nhận ra sự thật cũng là lúc giông bão nổi lên trong cái gia đình nhỏ bé của mình.


– «Có phải ông đã làm gì con bé không? Hãy nói thật đi?
– Ờ, tôi cho bà và nó cuộc sống đầy đủ là được chứ gì.
– Đồ súc sinh. Với con bé thì cha nó chết lâu rồi. Nó đã nuôi hình ảnh đẹp về cha nó, sao tôi có thể nhẫn tâm để nó biết ông là cha nó. Ông biền biệt mười mấy năm trời, sống sung sướng để trở về giết tôi và con gái mình như vậy hả. Đồ mất tính người này, “giời” ơi…”

Như thế đã là quá rõ đối với em. Người cha mà em đã từng thần tượng là ai. Giữa cái đời thường tanh tưởi này và giấc mơ của em đã bị hiện thực trà giẫm, quá đường đột khi nhận ra sự thật về người cha của mình.
Chi tiết em «bấm chặt môi không bật ra tiếng khóc», «tay víu chặt lấy ngực», «ngực đang nghẹt thở như một tảng băng», tất cả những chi tiết này xuất hiện trong một khoảnh khắc cực ngắn, một cú sốc đột ngột giống như một đòn chí mạng giáng lên đầu một trái tim thơ dại, liệu rồi «Tôi» có đủ sức vượt qua hoàn cảnh này không?
«Tôi ngồi bên bờ sông, gục đầu xuống, tóc xõa dài che khuất mặt. Cỏ ven sông ươn ướt. Hình như là mưa ngâu…

«Tôi» được Hằng Dương tạc như một pho tượng sống, đầu gục, tóc xõa che khuất mặt, đặt chơ vơ bên triền sông, nơi có dòng nước vô tình chảy xiết rất có thể nhấn chìm bất kỳ một sinh linh nào xuống đáy dòng mà không để lại dấu tích.
Lúc này tác giả đẩy số phận cô bé «Tôi» cho độc giả quyết định và phán xét. Có người đoán rằng «Tôi» sẽ tìm đến cái chết vì với một con người sáng trong như em làm sao chịu đựng nổi nỗi nhục của cả một kiếp người?
Có người nghĩ rằng «Tôi» sẽ sống và vượt qua. Bên cạnh em còn có mẹ, một người mẹ tuy thô thiển nhưng sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để có em.
Mỗi phỏng đoán đều có một cái lý riêng, nhưng việc «Tôi» sống hay kết thúc sự sống còn là một ẩn số.

Còn một điều mà em vẫn chưa chắc rằng cái mà em cảm nhận được ở vạt cỏ ven sông «hình như là mưa ngâu»?

Câu chuyện tình xa xưa kể về một đôi trai gái vì quá say mê ân ái quên cả bổn phận và trách nhiện nên bị Ngọc Hoàng lưu đày, hai người phải rời xa nhau, một năm chỉ được phép gặp nhau một lần vào mùa mưa ngâu. chuyện răn người đời đừng vì ham hố tình dục để đôi lứa phảu chịu cảnh chia lìa đáng tiếc. Trường hơp «Tôi»của Dương Hằng thì khác, «Tôi» bị chính cha ruột của mình cưỡng bức, điều này đau gấp ngàn vạn lần câu chuyện cổ tích xa xưa. Một hiện tượng loạn luân mà người đời cấm kỵ, ấy vậy mà nó vẫn có thể sảy ra ở đâu đó trong những mái ấm gia đình của xã hội loài người, nó là tiếng sét của sự hủy diệt… Đạo đức xuống cấp, những phụ nữ như «Tôi» như mẹ «Tôi» đều là nạn nhân của bạo gia đình, cụ thể câu chuyện «Hình như là mưa ngâu» là bạo lực tình dục. Tôi chính là hiện thân của mẹ em mười mấy năm về trước phải sống với một người đàn ông thiếu nhân tính bỏ mặc người bạn đời khi con còn đỏ hỏn rồi đột nhiên trở về trong một vai cha hờ, chồng hờ tiếp tục chà đạp tổ ấm của mình?
Rồi đây «Tôi» có phải trải qua cuộc sống giống như mẹ không thì người đọc cũng có thể dự cảm được? Ai sẽ giúp em thoát khỏi sự ám ảnh này để sống? Có lẽ đến đây người mẹ lại một lần nữa giữ vai trò là người giang tay cứu em. Mẹ sẽ phản ứng ra sao và làm gì với người từng đầu gối tay ấp với mình để bảo về đứa con, thoát khỏi cái hiện thực nhơ nhớp đã từng làm tổn thương người mẹ tội nghiệp này? Những gì người đọc có thể mường tượng ra cũng chỉ là sự mường tượng theo phán quyết cảm tính mà thôi. Cũng có thể người mẹ kia mạnh mẽ tố cáo người chồng khốn nạn kia, bóc trần sự thật đểu giả của yêu râu xanh cứu gia đình?
Cũng có thể người mẹ ấy vì sĩ diện mà bưng bít, rất có thể đẩy tôi vào địa ngục trần gian. linh cảm «Hình như là mưa ngâu» đối với «Tôi» là rất thật. Giây phút «Tôi» nhận ra người cha của mình cũng là lúc em vĩnh viễn mất cha trong tâm tưởng. Hình tượng thiêng liêng về cha bị đổ sụp. Bởi vậy nên Tôi đau như có ai đó đã bóp nghẹt trái tim mình, bởi vậy nên dòng nước của con sông kia rất có thể là nơi «Tôi»tẩy rửa vết nhơ bằng cách gieo mình vào hư vô, chấm dứt một cuộc sống mà “nhẽ” ra em phải được nâng niu và trân trọng!

«Hình như là mưa ngâu» của Hằng Dương đã cuốn người đọc vào mạch cảm xúc của nhân vât tự sự.
Truyện không dài nhưng thông điệp ở ngoài lời thì rất lớn, những tầng ý nghĩa những lớp sóng day dứt, vò xé một gia đình bé nhỏ. Ai sẽ là người giúp mẹ con «Tôi» thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nạn bạo lực gia đình này khi người cha kia đích thực là thủ phạm? câu chuyện không còn nằm trong phạm vi gia đình nữa mà nó rọi vào người đọc trách nhiệm xã hội. Đây là tiếng kêu cứu về nạn xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Đôi lúc cách đặc tả những hình ảnh, âm thanh, đầy sức gợi khiến ta hình dung rất rõ như một thước phim quay chậm về giấc mơ đẹp của tôi cũng như hiện thực nghiệt ngã mà «Tôi» đang phải hứng chịu. chính vì vậy mà câu chuyện day dứt người đọc không nguôi…
6.1.2014

BT: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *