LỜI BÌNH CHO CÂU CHUYỆN “KẾT THÚC… HAY BẮT ĐẦU.
Có nhẽ người sắp lìa xa thế giới thường có những lời trăn trối thật và rất cô đọng, vì quỹ thời gian không cho phép họ lan man.
Câu chuyện của người từ cõi chết trở về “Kết thúc… hay bắt đầu!”của tác giả Vương Chi Lan thật xúc động. Nhân vật “Tôi” tự sự về hoàn cảnh của mình và người thân trong nỗi nghẹn ngào rơi nước mắt. Chị vừa trải qua hai cuộc phẫu thuật, một cuộc phẫu thuật để gạt bỏ khối u bệnh tật, một cuộc phẫu thuật nội tâm để tìm ra chân lý, và cách đối diện những vấn đề có liên quan đến niềm vui, nỗi buồn của quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những trải nghiệm của “Tôi” không có gì to tát nhưng nó là trải nghiệm của một con người luôn lấy tình thương và lòng bao dung làm trọng, lấy trách nhiệm và bổn phận để soi mình cho sự ra đi hay ở lại đều mong rằng lương tâm mình được thanh thản. “Tôi” đã ví cuộc phẫu thuật tâm hồn mình “ sự giải phẫu nào mà không đau. Cũng xé thịt ra mới bỏ nó, có khi lại di căn lung tung vì nó có chân có rễ khắp các tế bào rồi… đó có những cái mình hiểu nó tận ngọn rễ mà không sao gỡ rối được, đó là sự chọn lựa giữa được và mất”
Câu chuyên đan xen giữa nỗi niềm của người kể chuyện và gia đình cậu bé mà nhân vật tự sự chính là dì ruột, thật sự đã để lại những ấn tượng không thể quên.
Xuyên suốt câu chuyện là cậu bé Thịnh tội nghiệp, có cha có mẹ mà sao nó vẫn côi cút, tuổi thơ của nó vẫn không được nương tựa cha mẹ, đành phải tựa vào tình thương của người em gái mẹ mình, nó gọi là dì Út!
Mơ ước của Thịnh chỉ vẻn vẹn muốn có được cái xe đạp điện để ngày ngày đến trường không bị trễ do đường xá quá xa.
Cậu bé chưa kịp hoan hỷ với món quà dì Út tặng thì niềm đau, nỗi buồn lại ập đến. Nó ào ạt như những đợt sóng dập vùi hết niềm mơ ước này đến niềm mơ ước khác của cậu bé, khiến tâm hồn của nó trở nên trơ lỳ, chai sạn, khóc cũng không thành được tiếng.
Nhân vật tự sự không nói nhiều đến bạo lực gia đình, nhưng ấn tượng của bạo lực gia đình lại chính là cái đinh đóng chặt vào câu chuyện. Nó găm vào lòng người đọc hình ảnh một người đàn ông trong cương vị một người cha vừa bê tha, vừa vô trách nhiệm và thiếu nhân tính. “Dì út ơi! Tối nay con đi ngủ con vui lắm con có chiếc xe đạp đi học rồi con vui cả trong giấc ngủ… hix ..hix…”
Cháu vừa khóc vừa nói trong giọng nói nghẹn ngào… tôi vẫn lo lắng như có điều gì liên quan đến món quà của tôi khiến cháu phải bị đòn, tôi cũng rươm rướm, mũi tôi cay nồng, mắt cũng bắt đầu đỏ. “Lúc 2 giờ sáng ba đi làm mới về đầy mùi bia, ba say mèm hỏi mẹ chiếc xe đạp của ai? Mẹ vừa nói của thằng Thịnh thì ba lấy ghế đập vào xe. Con đang ngủ nghe tiếng ba la hét và tiếng mẹ khóc, tiếng đập đồ… con hoảng hồn tỉnh dậy chạy ra thì… xe đạp điện bị vỡ ba vẫn đập rồi ba lôi ra đường ba quăng… con chỉ biết khóc thôi dì Útt ơi… hix hix…”
Nói gì bây giờ.
Rồi chi tiết“… Dì rất buồn ba con ngày nào cũng nhậu, cũng say xỉn độc tài, ỉ mình là đàn ông vung tay quá trán, đánh mắng mẹ con bầm mình bầm mặt, đánh vợ mình mà nhổ cả chùm tóc sứt cả da đầu,… mà không phải một hai lần, quá nhiều lần trở thành thói quen, lại xem đó là niềm tự hào đánh vợ mình xem như là bản lĩnh đàn ông. Người đàn ông bản lĩnh khi lập gia đình là làm cho gia đình hạnh phúc, êm ấm là trụ cột của gia đình, yêu vợ và thương con lo được cuộc sống vợ con sung túc, có ăn có bận với mọi người. Dù học không nhiều nhưng vốn tri thức sống ở đời ít ra là cần phải có… và nhiều yếu tố khác nữa, bấy nhiêu thôi đã thấy ba con không làm được rồi, lấy đâu ra cho mẹ con hai chữ hạnh phúc.”
Hạnh phúc thật xa vời.
Hình ảnh người đàn ông hiện lên trong câu chuyện, đi không vững bước, xiêu nao như một chiếc lá trong vòng gió xoáy, không làm chủ được bản thân. “Nắm tóc chốc da” y đã dựt tóc vợ; chiếc xe đạp điện bị gã đập phá quăng quật không có lý do, khác nào dòng xoáy của cơn lũ bạo lực gia đình đang nuốt chửng những sinh linh trong cái gia đình tội nghiệp của gã.
Bà mẹ của hai đứa trẻ, người vợ tủi hổ của gã say kia, người chị ruột tội nghiệp của nhân vật tự sự hiện lên trên trang viết thầm lặng, rúm ró đến nao lòng. Bà mẹ tội nghiệp của hai đứa con xuất hiện như một cái bóng, cam chịu, lầm lũi nhàu tã và thui thủi, có nhẽ bởi tại bà sống trong đòn roi bạo hành quá lâu nên bà xuất hiện câm lặng lầm lũi. Rồi người dì kia, tuy không trực tiếp bị bạo hành, nhưng những ám ảnh của người thân đã làm cho nhân vật “Tôi” cũng bị biến dạng đi vì đau đáu niềm thương chị, thương cháu mà không biết có cách gì để tháo gỡ nỗi khổ cho họ, giúp người thân vượt qua những hệ lụy của cảnh bạo hành. Chị sống trong nỗi ám ảnh của cảnh phải chịu đựng nhìn thấy người thân bị đày đọa mà không sao giải thoát được, đó là bạo lực giữa những người thân, nó can go và phức tạp hơn người ngoài tưởng nhiều nhiều lần. Câu chuyện bạo lực gia đình nhà cậu bé Thịnh hiện lên sống động, đau đáu, ngột ngạt khiến người đọc phải rùng mình ớn lạnh. Ngần bấy nhiêu thôi đã đủ găm vào người đọc nỗi xót xa ai oán của người trong cuộc. “Họ biết mình, cái vỏ bọc bề ngoài khi… mất nhau vậy” . Còn nhiều nhiều những chi tiết nhân vật tự sự an ủi, dặn dò cậu bé trai cưng trước khi người ra đi, giã từ cuộc sống và người thân cũng rất cảm động, nó toát lên một hiện thực:
Người thì từng giây từng phút đấu tranh với cái chết để giành lấy sự sống, còn người đang nắm giữ sự sống lại không biết trân trọng. Thực là nghịch cảnh, bởi thế câu chuyện rung động được lòng người và lôi cuốn người đọc vào mạch cảm xúc đến phút chót của câu chuyện….
Câu chuyện khép lại rồi nhưng tôi vẫn thấy quanh quất đâu đây những mảnh đời như dì Út, họ không có gì nhiều ngay cả sự sống, thế mà lúc tưởng như lâm chung, tình thương của họ đối với đời vẫn thắm như miếng trầu đã nhuyễn hương vôi, không đơn sai và có phần độ lượng. Họ ham muốn được gieo hạt giống lành cho thế hệ tiếp nối nên những thân phận bị cầm tù bởi bạc đãi và đòn roi có nơi để đến, có nơi để về, có nơi để nương tựa tinh thần như anh em cậu bé Thịnh và Ba. Điều qua trọng là họ biết sẻ chia để yêu thương, để nâng đỡ những số phận chả may gặp nghịch cảnh.
Trong câu chuyện xuất hiện duy nhất một lần “Tôi”đã để cho người đàn ông đã từng khao khát mái ấm gia đình xuất hiện: Có một lần tôi lướt qua trên mạng, một người bạn ghi lại vài dòng về sự khao khát có một mái ấm gia đình một tình yêu chân thật đó là giá trị lớn nhất đối với anh ta, anh ta viết:
“ Cuộc đời chỉ khi nào có cho mình một mái ấm gia đình chân thực. Mình biết giữ và nâng niu trân trọng với tình yêu Hạnh phúc mới là giá trị lớn. Tôi tìm cho mình nửa còn lại thấy thật xa, hình như đang ở quanh đây mà sao mình còn bối rối. Hy vọng một trái tim sẽ hợp với mình để được yêu và sống hết đời cùng người ấy. Mình mong mọi người ai cũng đủ đầy, hạnh phúc”.
Điều ấy cũng có nghĩa là Hạnh phúc không phải đâu xa lạ, chỉ là ta có biết tìm, nuôi dưỡng và trân trọng nó hay không. Cũng như Thịnh trong con mắt dì Út, là một cậu bé ngoan, biết phân biệt phải trái, là niềm tự hào của dì còn với ba ruột Thịnh là đứa con không biết vâng lời, là gánh nặng trên đôi vai lười lao động của kẻ không biết có ngày mai. Hai người đàn ông với hai thái độ ứng xử khác nhau, chắc hẳn đã tạo nên một đòn bẩy để người đọc tìm thấy mình trong cái thế giới khác biệt ấy…
BT: Vương Chi Lan