Hôm qua 12/01/2014 là ngày tôi kém vui… tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các bạn, tin nhắn đến giờ này là 04 giờ sáng còn nhận thêm tin nhắn bay về, mình trăn trở suốt đêm, nhớ lại bao điều, kỹ niệm còn nóng hổi trên tay. “Quá giang thuyền ngược” còn đây, những trang thơ còn đó, giọng người đọc thơ sau cơn bệnh còn chưa rõ.
Người mà suốt một đời mong mỏi góp mặt trên đời một tác phẩm nhỏ nhoi trước khi mình về “xứ khác” để lại gì cho bạn bè thân hữu, cho nơi anh đã từng đi qua một kiếp người.
Những người bạn, những người em, đã góp mặt chung tay để có được cái ngày vui mừng xúc động. Những người đã cùng tôi chăm chút tập thơ “Quá giang thuyền ngược” cho đến giờ phút cuối cùng đứa con tinh thần của Lâm Anh ra đời. Người mà tôi cảm động nhất đó là anh Lê Vinh Út, anh chọn loại giấy, anh chọn người thực hiện in ấn là Vương Chi Lan, anh chọn Họa sĩ vẽ bìa là Phạm Cung, anh chạy lăng xăng lo giấy phép Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, có giấy phép rồi thì tiền đâu in 1000 bản? Anh Lê Vinh Út cầm đến tôi một khoản tiền nhỏ bảo em cứ tiến hành in đi rồi thiếu, đủ anh xoay tiếp. Bạn bè ủng hộ thiếu trước hụt sau cho đến giờ phút sách in ra, tổ chức buổi ra mắt tại Hồ Kỳ Hòa Quận 10 Tp.HCM. Sau buổi tổ chức vẫn gom chưa đủ số tiền chi trả tập thơ. Anh Lê Vinh Út lại tiếp tục bán thơ của anh Lâm Anh gom lại trả tiếp số tiền còn lại sau 20 ngày. Bao nhiêu đó thôi tôi quá xúc động trước một tấm lòng sống hết lòng vì bạn. Ngoài ra còn có nhiều người bạn chung tay lo cho “Quá giang thuyền ngược” để được có mặt trên đời Nhà báo Nguyễn Tam Phù Sa, Phương Tấn.
Khi đứa con tinh thần đầu lòng mà cũng là cuối cùng của Lâm Anh có mặt trên cõi đời này. Những ngày vui của anh, là anh với đứa con tinh thần trở về quê hương Quảng Ngãi cùng các bạn ngồi lại xúng xính đọc thơ của anh. Có những người bạn đã từng yêu thơ của anh thời còn trẻ, có người bạn cầm tập thơ “Quá giang thuyền ngược” trên tay không cần mở ra xem mà hồn nhiên đọc bốn câu thơ đã được in trong tập:
“Ồ! Mặt trời vẫn mọc ở phương Đông.
Loài chim khôn còn hót được trong lồng
Thì dù ta chỉ còn đôi cánh lá
Cũng vì người mà trổ hết mùa bông.”
Xúc động, thật xúc động cho một tình bạn hiểu nhau, thẩm thấu được tư tưởng của nhau, người cầm bút chỉ mong có người đọc những gì mình viết đã là một niềm vui. với Lâm Anh không chỉ vậy mà các bạn của anh thuộc làu thơ anh khá nhiều. Người đọc bài thơ trước 1975, người đọc bài sau 1975. Mịch La Phong anh đọc thơ mà anh Lâm Anh đã viết tặng:
“Xuống núi để tìm đôi chút biển
Ô hay… lại gặp Mịch – La – Phong
Chiều chưa khô nắng mà rượu đã
Giạt phía trời Nam cánh nhạn hồng
…
Dấu ấn kinh bang hằn xói trán
Rớt xuống bờ ly… sông núi ơi!
Vô ý ta nghe mùi nước mắt
Chảy ngược lòng ai đến tận trời!…”
Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã viết cảm nhận về thơ và con người Lâm Anh “… Ông có nhiều con người trong một con người. Ông la đà trong men rượu và thơ la đà trong ông giữa ngọn đồi đầy cỏ hoa và đêm xuống nhập nhòa”. Nguyễn Lệ Uyên cũng hết sức bất ngờ bởi chất thơ, hồn thơ lạ, cộng thêm giọng đọc thơ của Lâm Anh thật lạ với lối đọc ấy anh nói: “Lâm Anh lột truồng tất cả tứ trong thơ, lột truồng cả chính ông, lột cả màn đêm để đắm chìm vào cõi khác…”.
Cuộc đời ông gian nan, trắc trở, những cảnh ngộ éo le, ông luôn dằn vặt mình qua đời sống thực nó đay nghiến ông trong tâm thức. Chỉ qua chiếc áo cũ ông mua ở chợ khi mặc chiếc áo ấy, thì với ông đó lại là chiếc áo mới, nhưng cái mới mới ra sao!:
“Ta mua chiếc áo cũ
Với giá bốn mươi đồng
Quảng Ngãi chiều gió bấc
Quảng Ngãi đầy mùa đông
…
Ta đứng thay áo mới
Như mặc vào vạn phương
Áo thơm mùi rạ ẩm
Ồ không! Mùi máu xương…
Nhà văn TR.Hoài Thư cũng nhìn ông với một chàng thi sĩ khi xem qua 25 thi phẩm chưa được xuất bản thì Nhà văn TR.Hoài Thư đã cảm nhận về Lâm Anh:
“Thơ ông chính là hơi thở. Và hơi thở chính là thơ ông. Ông gánh giùm khổ nạn. Ông chở giùm hạnh phúc. Ông mang giùm quê hương. Ông tải giùm mồ hôi và nước mắt. Ông hít thở giùm sương mù, sương muối ở vùng heo hút Cát Tiên. Ông hứng giùm bát trăng trên vùng núi đồi trùng điệp. Ông mặc giùm chiếc áo cũ tang thương…”
Ồ! Tôi thật ngạc nhiên khi hỏi đường về nhà Lâm Anh ở Cát tiên thì các bạn tôi bảo chỉ cần nói với bác tài cho tôi xuống ngả ba Lâm Anh. Người còn sống mà tên anh đã ở ngả ba đường, cái cảnh cơ hàn từ quê hương Quảng Ngải về đến Cát Tiên cũng còn đeo, cái nghèo còn đó. Nhưng giờ đây anh không còn phải bôn ba xuôi ngược, lỡ thời lỡ vận nữa, anh đã buông tất cả những hay – dở, những khen – chê, những ấm ức hay hả hê bên ly rượu, những chán ghét hay đam mê, những sợ hãi hay tha thiết… tất cả là sân – si – hỷ – nộ – ái – ố… của con người ai cũng mang trong mình một chút. Còn anh anh đã bỏ lại một đời mê mãi đùa với sanh tử rồi.
Vâng! Nguyễn Lâm Anh tên thật của anh, người con đất Quảng Ngãi, hay còn gọi anh là Lâm Anh Nguyễn – Ba – La. Anh sinh năm 1942, người anh, người bạn thân thương của tôi, của các bạn đã ra đi mãi mãi vào 13 giờ chiều ngày 12/01/2014 tại Cát Tiên sau chuyến về thăm quê Quảng Ngãi lần cuối cùng. Lễ an táng vào lúc 9 giờ sáng ngày 15/01/2014 tại nghĩa trang Cát Tiên. Tôi nghiêng mình thành kính tiễn anh về với quê xưa vị cũ, về với bản lai diện mục. Tôi xin tạm biệt anh vì trong tôi anh chỉ đi xa thôi chứ không là vĩnh biệt.
BT: Vương Chi Lan