netvietnet

Gabriel García Márquez – Nguyễn Tiến Văn

Cả thế giới xúc động hôm thứ năm 17. 4. 2014 về tin qua đời của nhà văn gốc Columbia và được giải Nobel về Văn học 1982 cho toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn.

Thọ 87 tuổi, Gabriel García Márquez sinh ngày 6 tháng 3 năm 1927 tại vùng Aracataca ở xứ Columbia, ngay bờ biển thuộc vùng Ca ri bê. Về tên của nhà văn, thường được gọi bằng họ kép là García Márquez đọc là /ga si ơ má kes/ và các từ điển cũng sắp theo vần G chứ không phải vần M. Tuy nhiên, cả vùng châu Mĩ Latin chỉ gọi ông thân mật như người trong gia đình bằng tên là Gabo và các mạng cũng lấy theo tên này.

García Márquez được biết như nhà văn (của 6 tiểu thuyết, 14 tập truyện vừa và 6 tập truyện ngắn) cùng nhà báo (6 cuốn sách phi hư cấu và tập đầu tiên trong bộ tự truyện gồm 3 cuốn) vào hàng đầu của thế giới.

3 tập tiểu thuyết lừng danh của García Márquez là Trăm năm cô đơn (1967), Mùa thu của vị trưởng lão (1975) và Tình yêu thời thổ tả (1985). Tất cả đều đã được chuyển thể thành điện ảnh và được hoan ngênh khắp thế giới vì làm sống lại những cuốn tiểu thuyết qua việc bám sát thân phận con người, nhất là của những con người nghèo khó lam lũ, nhưng vẫn chan chứa tình thương, dục tính và mộng mơ về hạnh phúc.

Tuy không phải là người sáng lập chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magical realism) trong văn học ─ với tị tổ như là Jorge Luis Borges từ những thập niên 1920 – 1930 – nhưng García Márquez là người sáng giá nhất của trường phái này và từ tác phẩm Trăm năm cô đơn với hơn 30 triệu ấn bản khắp thế giới trong hơn 25 ngôn ngữ, ông đã khai mở sự bùng phát của văn học châu Mỹ Latin như một truyền thống và một trung tâm lớn của thế giới, sánh vai với những nền văn học khác như Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Âu, Đông Âu, châu Á…

Trường phái hiện thực huyền ảo không duy khoa học như chủ nghĩa tự nhiên, không duy í chí và duy tập thể như chủ nghĩa hiện thực xã hội mà kết hợp những kĩ thuật của chủ nghĩa hiện thực như tự sự và chi tiết tự nhiên với những thành tố phi hiện thực và hư cấu của mộng mơ và huyễn tưởng. Ngày nay những nhà văn đại biểu cho khuynh hướng này là Italo Calvino, Gunter Grass, Angela Carter, Salman Rushdie và John Fowles, Haruki Murakami, Mạc Ngôn… vân vân..

Ra đời từ sau Đại chiến I (1914-1918), khi những quốc gia tự nhận là tiến bộ nhất thế giới ở Âu Mỹ xâu xé nhau vì quyền lợi hẹp hòi, đặc biệt là trong sự tranh giành giữa các đế quốc thực dân, trong những thập niên 1920-1930 là sự tỉnh mộng lớn và những biện pháp cực đoan phản ứng lại là chủ nghĩa phát xít, Quốc xã, và Xã hội chủ nghĩa. Những liều thuốc đối trị này không chữa lành con bệnh mà càng làm sự khủng hoảng thêm sâu sắc. Thế chiến 2 (1939-1945) chấm dứt với hai trái bom nguyên tử Hoa Kì ném xuống đất Nhật làm cả thế giới bàng hoàng và mở ra cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây. Từ đây những lí tưởng khoa học, tiến bộ, bánh xe tiến hoá của lịch sử và những giá trị nhân bản của chủ nghĩa nhân văn phương Tây kéo dài 5 thế kỉ từ thời Phục hưng thế kỉ 15 qua thời ánh sáng thế kỉ 18, các cuộc Cách mạng Hoa Kì (1776) Pháp (1789) Nga (1917) Trung Hoa (1912, 1925, 1949… để lại hậu quả là một thế giới tan hoang (T. S. Eliot, The Waste Land, 1922) với cái Trống kẽm (Gunter Grass, The Tin Drum, 1959) và Trăm năm cô đơn (García Márquez, 1967) của Đàn con giờ Tí (Salman Rushdie, Midnight’s Children, 1981).

Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn trước bạ cả một châu lục xuất phát từ châu Âu đã 5 thế kỉ nhưng bắt rễ vào thế giới mới và chia sẻ thân phận của Thế giới thứ ba gồm châu Á, châu Phi và châu Mĩ Latin. Đó là những xã hội chậm tiến về khoa học, kĩ thuật, kinh tế so với hai thế giới kia là Tây Âu- Bắc Mĩ và thế giới XHCN. Biểu hiện chính trị của phong trào là chủ nghĩa phi liên kết qua hội nghị Bandung ở Indonesia năm 1955 và biểu hiện văn học của phong trào là chủ nghĩa hậu thuộc địa (Post-colonialism).

Việt Nam có một vai trò và một í nghĩa rất lớn ở đây vì là đất nước đầu tiên và gian khổ, lâu dài nhất suốt 30 năm sau Thế chiến 2 để tranh đấu với mọi loại thực dân cho độc lập, tự do, và hạnh phúc.

Tranh đấu bạo lực vũ trang chỉ mới giải phóng về chính trị, cần phải tranh đấu và canh tân phát triển kinh tế để đưa đời sống đến chỗ bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người. Tuy nhiên, quan trọng và khó khăn nhất là sự giải trừ thực dân đế quốc bằng văn hoá và í thức để có tự chủ và bản sắc dân tộc.

Aimé Césaire, Léopold Senghor, Frantz Fanon là những nhà thơ và nhà trí thức người da đen đã nêu cao nhận thức về màu da và bản sắc văn hoá cuả những vùng thuộc địa đòi quyền sống bình đẳng và giá trị của xã hội tự tính bản địa không phải như nhũng thứ phục tùng vào chính quốc, mẫu quốc khai hoá hay bảo trợ.

Nếu đầu thế kỉ 20, chủ nghĩa hiện đại là đỉnh cao và mũi nhọn với những nhà văn như Virginia Woolf, Jame Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka- thì cuối thế kỉ 20 tiên phong là những người tiếp nối, phê phán và vượt thoát chủ nghĩa hiện đại bằng chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) ─ nhưng đó không phải là một chủ nghĩa có hệ thống khép kín và hoàn chỉnh, nên đúng ra phải gọi là tính hậu hiện đại (post-modernity).

Hai nguồn mạch lớn của tính hậu hiện đại là sự tranh đấu vượt khỏi di sản của chủ nghĩa thực dân và đế quốc bằng chủ nghĩa hậu thuộc địa song song với sự giải thoát bộ phận đông đảo nhất và bị đàn áp toàn diện nhất của loài người là giới nữ ─ đó là chủ nghĩa nữ quyền (feminism).

Nếu chủ nghĩa xã hội đặt trọng tâm vào cuộc đấu tranh phá bỏ giai cấp thì chủ nghĩa nữ quyền đặt trọng tâm vào sự bình đẳng giới tính và sự tôn trọng những đặc thù của hơn một nửa loài người bị đàn áp tinh vi suốt từ thời tiền sử trong mọi xã hội.

Chính ở đâu sự đàn áp lên cao nhất thì khi những nạn nhân í thức được hoàn cảnh và thân phận của mình sẽ phản kháng và đề ra cách mạng triệt để nhất. Người mở đầu và được coi là tị tổ của phong trào nữ quyền hiện đại là triết gia kiêm nhà văn nữ nước Pháp là Simone de Beauvoir với tác phẩm khai sáng đồ sộ cả về sinh lí, tâm lí và xã hội là Giới tính thứ nhì (Le Deuxième sexe, 1949). Những nhà văn hậu hiện đại và hậu thuộc địa như García Márquez, Salman Rushdie và Orhan Pamuk từ khước việc coi Tây Âu và Bắc Mĩ như trung tâm tối cao của văn minh thế giới và khẳng định giá trị của những trải nghiệm thiết thân của mỗi con người và mỗi tộc người, nhân danh sự đau khổ của mình.

Năm 1857, cảm hứng này được phát biểu trước nhất do nhà thơ đầu tiên của thời hiện đại là Charles Baudelaire: “Quý tộc duy nhất là quý tộc của khổ đau.” (La seule noblesse est celle de la douleur.)

Một câu nói có thể làm cốt lõi cho toàn bộ tác phẩm và động cơ viết văn của Márquez là: “Nếu tôi là một người đàn bà, tôi cần được yêu rất nhiều. Vấn đề lớn của tôi là được yêu nhiều hơn và đó là lí do tại sao tôi viết.” (If I were a woman, I need to be loved a great deat. My great problem is to be loved more and that why’s I write.)

García Márquez là một trong những nhà văn thành công rực rỡ ngay lúc còn sống, nhưng đó không phải là vận may hay tình cờ. Thành công đó chính đáng là do công phu và khổ hạnh cũng như sự tin yêu vô bờ bến vào tiếng nói, vào văn viết, vào trải nghiệm sống và vào truyện kể của con người về những đau khổ, và những giấc mơ hạnh phúc của họ qua chính bản thân.

Truyện vừa đầu tay của García Márquez tên là “Lá bão” (Leaf Storm) viết xong năm 21 tuổi phải chờ 7 năm trời mới kiếm được nhà xuất bản chịu in vào năm 1955, dù rằng đó là truyện tác giả thích nhất vì nó chân thành và tự phát hơn cả.
Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, ông viết ròng rã mỗi ngày trong suốt 18 tháng đóng cửa không tiếp khách và biệt cư với gia đình. Sau này ông kể lại là muốn viết về ngôi nhà kỉ niệm thuở ấu thời sống với ông bà ngoại từ lúc 18 tuổi nhưng không tìm được giọng thích hợp. Trải qua 4 năm khô cằn sinh lực sáng tạo từ 1961 đến 1965, vào năm này, đột nhiên í tứ và hình ảnh tới trong trí khi ông đang lái xe đưa vợ con đến Acapulco là một thắng cảnh du lịch bờ biển phía Nam của Mexico. Ông quay xe về và bán luôn nó để gia đình ông sống tạm trong khi ông biệt cư và viết. Thời gian viết không ngờ kéo dài quá sức nên vợ ông và hai đứa con trai hết tiền, phải nợ chủ nhà 9 tháng tiền thuê và đành mua chịu ở lò bánh mì và cửa hàng thịt tổng cộng số tiền lên đến tương đương 12 ngàn USD. May là cuốn sách thành công ngoài dự liệu và tưởng tượng, khiến từ đó không bao giờ ông và gia đình còn phải lo về sinh kế nữa.
Tiểu thuyết này dẫn ông đến giải thưởng Romulo Gallegos năm 1972 và giải Nobel 1982.

Nhà văn Hoa Kì là William Kenedy gọi đó là “Tác phẩm văn học đầu tiên từ cuốn Sáng thế kí [trong Kinh thánh của Do Thái giáo và Ki tô giáo, 3500 năm về trước] phải được yêu cầu là sách đọc cho toàn thế giới.”

Noi gương William Faulkner, vơi tiểu thuyết này Márquaez tạo ra cõi riêng là ngôi làng tưởng tượng Macondo ở đó 6 thế hệ của dòng họ Buendia sống từ lúc thành lập châu Mĩ Latin qua những buồn vui, sinh tử, yêu đương và loạn luân, hư cấu và truyền kì, làm say mê người đọc khắp thế giới, thực sự là khai sinh không chỉ ngôi làng đó, mà cả xứ Columbia, cả vùng châu Mĩ Latin xa xôi lạ lùng bây giờ nhờ phép màu của nhà ảo thuật luyện đan và hòn đá thử vàng của văn chương mà trở thành thân thiết với thế giới.

Trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chữ huyền ảo (magical) còn có nghĩa là ma thuật. García Márquez là nhà thuật sĩ đã dùng phép của văn học luyện bằng tình thương yêu lớn rộng, nhất là đối với người khốn khổ (vốn là đa số trong loài người) để họ tự tin với thân phận của mình, mở lòng yêu người gần kề từ gia đình đến làng xóm quê hương ra đến cả thiên hạ loài người và chúng sinh vạn vật.

Kĩ năng hiện thực sâu sát của một người làm báo chuyên nghiệp suốt đời bám vào thực tại sống động thường ngày về quê hương khổ đau bằng trí tuệ sắc bén đi cùng với tình thương rộng lớn của nhà nghệ sĩ cảm thông với đồng loại mãi là sức cuốn hút của García Márquez cho những ai trong cõi Trăm năm cô đơn này. Tiểu thuyết của Gabo từ năm 1967và bài diễn từ Nobel 1982 với nhan đề “Sự cô đơn của châu Mĩ Latin” đã đưa tác giả và quê hương ông vượt thoát cô đơn để hoà chung với toàn nhân loại.

BT: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *