netvietnet

Đoàn Nhà văn trẻ TPHCM đi thực tế và sáng tác tại An Giang – Phùng Hiệu – Vương Chi Lan

Sáng ngày 27/12/2013, Đoàn Nhà văn trẻ TP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Nhà văn trẻ – Hội Nhà văn TPHCM làm Trưởng đoàn cùng các nhà thơ Phùng Hiệu, Hoa Níp, Vương Chi Lan, Trần Huy Minh Phương và các nhà văn Nguyễn Thu Trân, Nguyễn Hồng Lam, Trương Anh Quốc, Ngô Thúy Nga, Lưu Quang Minh và 2 khách mời là nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim đã đi thực tế, sáng tác và giao lưu văn học tại Thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Sau cuộc hành trình kéo dài 6 tiếng đồng hồ, đến 12h cùng ngày, Đoàn mới đến Thành phố Long Xuyên. Tiếp Đoàn, nhà văn Mai Bửu Minh- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang và nhà thơ Lê Thanh My, phó chủ tịch Hội cùng các nhà văn đang sống và làm việc tại tỉnh An Giang.
Buổi chiều, Đoàn đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang. Sau đó dưới sự hướng dẫn của nhà văn Mai Bửu Minh, nhà thơ Lê Thanh My cùng đưa đoàn về cù lao Ông Hổ tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đại diện đoàn địa phương nhà văn Mai Bửu Minh đã trao tặng lưu niệm Huy hiệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho các thành viên trong đoàn Thành phố.

19 giờ, tại trường Đại học An Giang diễn ra buổi giao lưu giữa Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang – CLB “Gia đình áo trắng An Giang” với Đoàn Nhà văn trẻ TPHCM.
Buổi giao lưu văn học nhằm khơi dậy niềm đam mê, niềm ước mơ, khát vọng của giới trẻ yêu thích văn chương. Những cây bút trẻ được động viên, khích lệ mạnh dạng đi sâu vào niềm đam mê văn chương và nghệ thuật, tạo thêm nguồn cảm hứng sáng tác với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ đang chập chững bước vào con đường sáng tác, phục vụ cho nhu cầu đời sống tinh thần của thế hệ trẻ, góp phần trẻ hóa nền văn học hiện đại, cũng như lời phát biểu của Nhà thơ Phan Hoàng: “Sau 12 năm anh trở về An Giang giao lưu, gặp gỡ, nối kết giữa cô giáo – thầy giáo – sinh viên trẻ trung mang lại cho chúng ta cái đẹp, cái giá trị của văn học nghệ thuật”.


Vùng đất An Giang là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Một vùng đất hết sức kỳ lạ sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất, nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà thơ đã thành danh trên vùng đất này. Không khí buổi giao lưu trở nên sôi nổi và vui tươi qua phần giao lưu của Nhà thơ Lê Thị Kim. Chị đọc bài thơ tình theo yêu cầu của sinh viên, các bạn chỉ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” nghe thơ, yêu thích thơ của chị đã lâu nhưng chưa lần nào được gặp chị . Đây là dịp được nghe, được nhìn tận mặt một nhà thơ tên tuổi, là tác giả của bài thơ “Đừng nhìn em như thế”. Khi nhà thơ Lê Thị Kim đọc bài thơ này, cảm xúc ùa về trong chị, bản chất thực của một nữ thi sĩ lãng mạn mà ai có mặt trong buổi giao lưu cũng đều nhận ra rõ một “nàng thơ” ướt át xuất hiện, chị mắc cỡ và thẹn thùng trước các bạn sinh viên, các thành viên “Gia đình áo trắng An Giang”. Chị hóa thành cô bé trẻ trung, e thẹn qua giọng đọc run run hồi hộp của chị khiến cho nhiều người có cảm giác đúng là “nhà thơ không có tuổi”.

Các bạn sinh viên tha thiết được nghe nhà thơ Phạm Sĩ Sáu kể về thời nhập ngủ, anh vào bộ đội ra sao và công tác tại chiến trường Campuchia…thế nào?
Anh kể, anh may mắn được nghe thơ thời chống Mỹ qua hình ảnh anh giải phóng quân đã thôi thúc anh cầm bút, rồi thơ anh được đăng trên các báo…Trong đó, bài thơ “Hành tráng sĩ mới” được đăng tải rộng rãi trên các báo, được nhiều người yêu thích. Qua bài thơ này, đã thôi thúc nhiều bạn trẻ tham gia vào quân ngủ. Điểm nhấn câu thơ có đoạn: “Sóng Mê kông sao bằng sóng ở trong lòng…” và còn nhiều câu thơ hay khác.


Buổi giao lưu đi dần về khuya, nhưng cũng không làm giảm đi tinh thần văn nghệ của các nhà thơ, nhà văn đã chia sẻ những kiến thức và trải nghiệm đời sống của người cầm bút.
Sáng hôm sau, Đoàn rời Long Xuyên đi tham quan Khu Bảo vệ cảnh quan Trà Sư . Thả xuồng trên sông nước đi vào Khu bảo tồn thiên nhiên mênh mông rừng tràm. Những làn gió mát rượi thổi vào lòng người nhẹ nhàng thơ thới, những đầm sen xanh um úp dập dìu theo sóng nước chao nghiêng. Những tia nắng ban mai xuyên qua cánh đồng tràm, thi thoảng lại có những cánh cò chao liệng trước mũi thuyền du khách. Ai cũng say xưa trước cảnh đẹp giữa con người và thiên nhiên đang hòa quyện vào nhau, người chụp ảnh, người làm thơ, những cảm xúc tuôn trào nơi ngọn bút.


Buổi chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục hành trình về Núi Cấm. Là một ngọn núi cao nhất trong khu vực 7 Núi thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang. Với độ cao 700m, Núi Cấm đẹp như một bức tranh với sương mù bao phủ, hồ nước tự nhiện trong vắt và những ngôi chùa cổ kính khói hương nghi ngút như đang hòa quyện vào một thế giới tâm linh kì bí. Đêm xuống, Núi Cấm lung linh trong những ánh đèn mờ ảo. Càng về khuya cái lạnh càng giá buốt. Trong không khí buốt lạnh của những ngày cuối đông, nhưng không làm cho các nhà văn trẻ “co dúm” trước khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ và huyền bí này. Tại đây những xúc cảm được khơi dậy và các tác phẩm ra đời trong một không gian toàn thơ và nhạc giữa núi rừng trùng điệp.
Sáng ngày 31/12, Đoàn đã làm lễ bế mạc. Chia tay Đoàn Nhà văn trẻ TP, nhà văn Mai Bửu Minh và các bạn văn An Giang đã cùng tặng sách cho nhau, cùng bắt tay nhau trong sự lưu luyến và mong ngày gặp lại.

BT: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *