netvietnet

Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải – VNCA

Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải đã chính thức khởi động vào tháng 3 năm nay và kết thúc vào tháng 4 năm tới theo Quyết định số 634/ QĐ – BGTVT ngày 6.3.2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Sở dĩ cuộc vận động này được coi là “khủng” vì có mấy lý do dưới đây. Thứ nhất, nó “khủng” về mục đích: Tri ân những đóng góp; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử của ngành; phát hiện, nêu gương góp phần nhân rộng…

Thứ hai, nó “khủng” về phạm vi đề tài theo hướng truyền thống anh hùng, dũng cảm; những tấm gương hy sinh vô bờ bến; những thành quả quan trọng; những tập thể và cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước… trong nhiều thập kỷ qua.

Thứ ba, nó “khủng” về mặt thể loại: Tiểu thuyết, bút ký, truyện ngắn, thơ (cả thơ ngắn, thơ dài, chùm thơ, tập thơ).

Thứ tư, nó “khủng” về số người nhập cuộc rất có vai vế trong Ban chỉ đạo và Ban tổ chức. Về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Công đoàn ngành, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Tổng biên tập Báo Giao thông vận tải…Về phía Hội Nhà văn có Chủ tịch Hội, Trưởng ban Chuyên đề, Chánh Văn phòng, Tổng biên tập Báo Văn nghệ…

van dong

Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải (Hà Nội ngày 25/04/2014 – 04/2014)

Thứ năm, nó “khủng” vì số tiền huy động để đảm bảo cho nó. Tính sơ, số tiền trao giải thưởng đã lên tới dăm tỷ đồng, chưa kể số tiền dành cho phí tổ chức, phí chấm giải và phí xuất bản sau đó.

Thứ sáu, nó “khủng” vì cơ cấu giải thưởng và số tiền trao cho các giải thưởng cụ thể. Trước hết, nó có nhiều “bộ” giải thưởng, trong đó có “giải đặc biệt” trị giá lên tới 100 triệu đồng (gần bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật). Chưa kể, Bộ Giao thông vận tải còn rất “rộng tay” khi dành một số tiền không thể nói là không đáng kể khi trao cả “giải tôn vinh” cho những người là thành viên ban sơ khảo, chung khảo nếu gửi “tác phẩm hưởng ứng”. Ngoài ra, “còn có giải thưởng cho tác giả trong ngành Giao thông…”, “sẽ có hình thức tôn vinh và khen thưởng xứng đáng” đối với những tác phẩm “có giá trị lớn về tư tưởng và giá trị nghệ thuật” ở từng thể loại…

Thứ bảy, nó “khủng” vì hình như từ trước đến nay, chưa có cuộc vận động nào mà nội dung thể lệ lại có thể phủ kín cả một trang A3.

Thứ tám, nó “khủng” vì sự cẩn trọng hiếm hoi khi nhắc nhở các tác giả “phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” và “không nhận các tác phẩm sai định hướng và có vi phạm những tư tưởng chính trị”.

Tóm lại, như người ta thường nói, về mặt “nhiệm vụ chính trị”, “ý nghĩa chính trị”… thì cuộc vận động này không có gì cần nói thêm hoặc nói theo cách khác là “quá ư hoàn thiện”, “chuẩn không phải chỉnh”…

Có thể nói, về mặt hình thức, cuộc vận động này rất “to”, nhưng liệu nó có thực sự “lớn” không thì vẫn là điều… bất khả tri và phải chờ đợi chí ít khi cuộc vận động kết thúc.

Đơn giản vì sự “lớn” của nó hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả cuối cùng.

Liệu sau một năm kết thúc, cuộc vận động có đủ thời gian sinh thành những tác phẩm như nhiều người từng nói là “xứng đáng”, “tầm cỡ”?

Mặt khác, các đối tượng dự thi thường hay quan tâm đến người “cầm cân, nảy mực” về mặt chuyên môn (danh sách Ban sơ khảo, Ban chung khảo), thì Thể lệ cuộc vận động lại chưa nói đến. Họ là những ai và bao giờ thì được công bố? Đây cũng là một sự đảm bảo cần thiết. Và nếu thiếu sự đảm bảo này, không biết hành trình của cuộc vận động sẽ cán vào những cái đích nào?

Cho đến nay, nhiều người cầm bút rất muốn vào cuộc. Nhưng vào cuộc theo kiểu gì thì đa số vẫn không hình dung ra. Chả nhẽ lại gửi tác phẩm dự thi theo hướng ghi nhận, biểu dương những gì rất cụ thể, thiết thực, chủ đề thuần túy theo “âm hưởng ca ngợi, lạc quan” đặng thỏa mãn yêu cầu của cuộc vận động, của ngành Giao thông vận tải lẫn sự hấp dẫn của giải thưởng?

Tựu trung lại, “cơm” (mọi thứ thuộc về vật chất của cuộc vận động) rất sẵn, còn “mắm” (giá trị tác phẩm, giá trị tinh thần tạo ra sau cuộc vận động) thì chưa biết thế nào? Bây giờ, không phải “liệu cơm gắp mắm” mà liệu có tìm ra “mắm” để “đưa cơm” không?

Cũng có người còn nêu ý kiến: Chỉ riêng viết về giao thông thôi, cụ thể là những cây cầu, những con đường, những sân ga và những nhà ga, cũng đã đủ hay rồi. Dễ hiểu vì ngày nào con người chẳng “tham gia giao thông”, ngày nào con người chẳng gắn bó và khởi đầu từ những con đường và có khi là cả những cây cầu nữa. Nhưng tất cả phải gắn với những hình tượng văn học, gắn với số phận và đời sống của chúng. Và nói rộng ra là gắn với số phận và đời sống con người giao thông. Nếu được thế thì thật phong phú, đa dạng và nhân bản.

Nhưng cũng có người nêu ý kiến: Chỉ riêng việc có một cuộc vận động “khủng”, đứng ra tôn vinh văn chương, đứng ra trao giải cho những người viết văn, làm thơ tôn vinh ngành Giao thông vận tải, cũng là một việc làm có ý nghĩa lắm rồi.

BT: Vương Chi Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *