netvietnet

CÓ ĐI KHẮP ĐẤT TRỜI CŨNG KHÔNG BƯỚC RA KHỎI TẤM LÒNG CỦA MẸ… Chí Thảo

Mấy ngày nghỉ, con gái rủ đi đổi gió Vũng Tàu. Cũng định đi, rồi lại thôi. Lễ không phải của mình. Vũng Tàu hấp dẫn thật, nhưng hấp dẫn với lớp trẻ, mình tuổi đã xế chiều rồi, còn ham hố gì nữa đâu. Thôi về với mẹ…

 

Mẹ hiền ngồi nhớ con (Nhà báo Chí Thảo).

 

Lên xe buýt ra bx Miền Đông mua vé Đức Linh (Bình Thuận), thêm một cuốc xe ôm là đến nhà chị. Có nỗi nhớ đau đáu của mẹ tôi ở đó, từng ngày. Lòng tôi nao nao. Cái cảm giác tựa như hồi trẻ trâu còn đi học ở SG, nghỉ hè về Trung thăm nhà.

“Cha mày! Mới về hả con..”. Mắt mẹ không còn nhìn thấy rõ, chỉ mờ mờ, dù tôi đã đến sát bên cầm tay mẹ. Bà cảm nhận sự hiện diện của tôi bằng tấm lòng, bằng nỗi nhớ. Gánh nặng cuộc đời và vết chém thời gian hằn lên tấm thân mẹ cõi còm. Da mẹ mồi hơn, lưng còng, tai nghễnh ngãng hơn. “Đi mấy giờ mà giờ đến hả con?”. “Dạ 10g mẹ”.

“Sao không đi sớm hơn cho mát?”.

“Ăn cơm chưa? Sao không đợi ăn cơm xong rồi hãy đi?”.

“Đói bụng không con..?”

…Mẹ hỏi thật nhiều.

Cười móm mém, giục chị nấu cơm.

Rõ khổ.

Tôi đã già đầu rồi mà mẹ cứ như tôi mới lên năm lên ba không bằng.

Ra đường ghé mua ổ bánh mì thịt 12k, chai nước lọc 8k…, là giải quyết được bữa trưa mà, mẹ lo gì…

Ở quê, 8 giờ tối là nhà nhà tắt đèn. Người nhà quê hầu như chỉ có nhu cầu cái ăn, cái mặc. Hưởng thụ là thứ gì xa xỉ với họ. Mà thật ra mỗi nhà chỉ có thể dán mắt vào cái tivi, có muốn hưởng thụ thì cũng chẳng có gì khác để mà… tái sản xuất sức lao động.

Đi đường xa mệt. Ngó quanh ngó quất chẳng thấy cái quán nào mở cửa. Mà cũng chẳng biết ngồi với ai. Nhà chị không có wifi. Thôi ngủ.

Mới chợp mắt được một lúc, chợt giật mình.

Có bàn tay lọ mọ, lay vai mình.

“Con ơi! Giăng mùng. Muỗi cắn..”.

Khổ.

Trời nóng hầm hầm.

Tôi mở quạt để chạy vù vù, muỗi nào mà cắn con được hả mẹ ?

Cái lay vai của mẹ làm tôi thao thức.

Nằm nghĩ miên man.

Bao chuyện ngày xưa bé bỏng hiện về.

Lâu lắm rồi, nhưng tấm lòng mẹ dành cho thằng tôi út át vẫn vậy, như mới hôm qua.

Những năm còn chiến tranh, thuở tôi còn bé mẹ hay dẫn tôi về biển thăm ngoại vào những ngày giỗ, chạp. Nhà tôi cách quê ngoại bởi một bến sông Thoa. Nghe Dượng chín kể lại, Dì Hai chỉ sinh toàn con gái. Mẹ tôi (thứ ba) cũng vậy, toàn con gái. Nhưng cuối cùng mẹ cũng… lòi ra được thằng cu tôi, nên ông bà ngoại cưng tôi lắm.

 

Nguồn internet.

 

Nhà ngoại nghèo. Chỉ mỗi ông ngoại “đi bạn” cho các chủ thuyền. Làm quanh năm mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Dượng chín bảo hồi nhỏ tôi “quậy” lắm, hay ngồi trên cái bụng trần của ông lấy ngón tay thọt thọt vào cái lỗ rún của ông. Ông ngoại càng cười tôi càng thọt nhiều hơn. Tiếng ông cháu cười vang cả xóm thuyền chèo nghèo xơ xác.

Một buổi chiều chạng vạng tối mẹ gồng gánh tôi trở về nhà. Đôi quang một bên mẹ để tôi ngồi, đầu quang bên kia là mớ khoai mì. Mẹ gánh tôi đi, đôi chân trần in sâu xuống trảng cát. Ngọn núi Vàng xa xa thỉnh thoảng vẳng nghe tiếng đại bác ì đùng rót xuống quê tôi. Tiếng mẹ gọi đò lẫn trong tiếng đạn nổ. Vô vọng. Ông lão lái đò cũng đi đâu biền biệt.

Mùa hè sông cạn, mẹ lội bộ qua sông. Một tay kéo đôi quang gánh đầy những khoai mì nhà ngoại chìm dưới nước, nách cặp cây đòn gánh; một tay vịn tôi ngồi trên cổ. Nước ngập quá bụng mẹ. Có quả đại bác lạc xuống sông, nổ ầm tung tóe phía xa xa.

 

Nguồn internet.

 

Vầng trăng đầu hôm in bóng xuống dòng sông Thoa vỡ ra từng mảnh. Mẹ tôi dò dẫm từng bước qua sông. Mẹ qua lại con sông này có lẽ đã mấy chục lần rồi nên thuộc làu chỗ nông sâu. Cái cảm giác ngồi trên cổ mẹ giữa mênh mông nước mới khoái làm sao. Tôi đưa 2 chân, 2 tay tung tóe nước làm ước hết mặt, tóc mẹ. Vậy mà mẹ vẫn cười, không la tôi tiếng nào.

Chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt. Nhà tôi cháy 2 lần. Cha mẹ tôi nước mắt ngắn dài, gồng gánh, dẫn theo mẹ con con bò, dắt díu tôi từ Đức Phổ tản cư ra ngoài Vinh Hiển (Mộ Đức). Một hôm cha tôi đánh bò ra đồng, chiếc tàu rọ (loại máy bay trực thăng) tưởng cha tôi là vi-xi (Việt cộng) quăng rọ bắt ông về đồn.

Chỉ còn hai mẹ con. Tuổi thơ tôi – những ngày u ám, tối tăm, bom rơi, đạn lạc. Cuộc sống tạm cư (ở nhà bà con xa) vất vưởng là vậy. Nhưng, ngoài tiếng đại bác ì đùng mỗi đêm, tôi chưa biết mùi khổ sở vì cái ăn cái mặc. Tất cả những gì có được mẹ dành hết cho tôi.

Những hôm đi gặt mướn cho người ta, mẹ thường dắt tôi theo. Có cái nón lá che nắng mẹ cũng dành cho tôi. Đến bữa, tôi vẫn được ăn cơm trắng gói trong lá chuối với cá kho, nóng hổi.

Năm 1966, chị tôi sợ tôi lớn lên sẽ đi làm… du kích, chết bờ chết bụi, nên từ Sài Gòn chị về dắt tôi đi.
Cha mẹ tôi tiếp tục tản cư ra Chu Lai ở với chị hai tôi.

Trừ cha tôi là có ít chữ thánh hiền thời nhà Nho mạt vận, mẹ tôi hầu như không biết chữ. Bà không biết đãi bôi, không biết nói một câu cho… tròn vành rõ nghĩa. Bà không học toán ở trường, nhưng bài toán cộng trừ ở đời bà tính không bao giờ sai. Một chén bánh bèo 1k, 4 chén 4k… Người ta đưa tiền có lớn cỡ nào mẹ cũng thối lại đủ, không thiếu một xu. Đáp số bài toán cơm áo của mẹ bao giờ cũng cho ra một kết quả tương tự và là kết quả duy nhất: Tất cả cho tôi, vì tôi!

Những năm tôi học ở Sài Gòn, năm nào mẹ cũng dành dụm gởi cho chị tôi 1 cây vàng để nuôi tôi ăn học. Thời chiến, các chị tôi sớm ra đời bươn chải, học hành dở dang. Tất cả dồn hết cho tôi.

Nằm miên man. Lại nghe có bước chân mẹ tôi lọ mọ giữa đêm. Mẹ lại nhắc tôi “giăng mùng, muỗi cắn”.

Năm 1975, tôi chuẩn bị bước vào cánh cửa Đại học. Cha mẹ tôi khổ nhọc một đời cũng chỉ mong có thế, để tôi “vinh quy về làng”, để cái con chữ kéo tôi ra khỏi cảnh một nắng hai sương ở lũy tre làng tôi.

Nhưng rồi…

Tôi vứt bút nghiêng, bỏ phố về đồng. Người ta “giải phóng” cả mơ ước không có tội tình chi của cha mẹ tôi.

 

Nguồn internet.

 

Mẹ ơi!

Ước gì con trẻ lại tuổi hai mươi cách nay 43 năm. Những đêm tuổi hai mươi “giải phóng”, tôi vẫn ngồi lỳ ở quán cà phê Quê Hương ấy. Tôi và thằng bạn, 2 thằng chia chung một ly cà phê đen, chuyền tay nhau điếu thuốc Hoa Mai. Thầm hỏi hàng ngàn lần câu hỏi “tại sao” mà vẫn không biết tại sao, con đường nào đưa tôi đến cớ sự này? Đến tận nữa đêm mới lầm lũi về nhà. Mẹ tôi đã mắc mùng cho tôi từ đầu hôm. Tôi chui vô mùng ngủ vùi. Chờ tôi ngủ, mẹ lại lọ mọ đến bên giường chần mùng cho…

Rồi lớn lên đi làm báo. Lên rừng xuống biến, vào Nam ra Bắc. Vậy mà mỗi lần về Đức Linh thăm mẹ, tóc tôi đã ngả màu rồi mà mẹ vẫn… ấp ủ tôi như thuở nào: “Con ăn gì mẹ ra chợ mua?”

Hôm nay, ngồi trên nhà trên nhâm nhi ly cà phê, tôi vẫn nghe ở gian sau tiếng mẹ tôi dặn chị: “Chút nữa đi chợ mua ít thịt heo ba rọi, mắm cái, rau sống. Nó thích ăn mấy cái đó. Nghe con..”.

Mẹ ơi!

“Nó” đã tồng ngồng, già chát rồi mà vẫn không bước ra khỏi tấm lòng, vòng tay yêu thương của mẹ sao?

Vậy đó…

Mẹ tôi nay đã 98 mùa cây mai trước nhà chị nở hoa.

Bỗng nhớ một buổi chiều trăng vỡ trên bến sông Thoa quê tôi ngày nào xa lơ xa lắc.

Mẹ ơi…!!!

Biên tập: Vương Thiên Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *