netvietnet

Bếp xưa – Hà Mạnh Luân

Không phải phòng khách hoặc nơi để tiếp khách với những nhà không có nhiều phòng, gian bếp mới là điểm sinh động và là điểm nhấn nhất của một gia đình.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi đâm ra xét nét. Đến nhà bạn chơi, hay dịp tiệc tùng đàn đúm, chẳng thể để mình rời mắt khỏi căn bếp. Hơn một lần nghe lời quở quang của tụi con gái: đàn ông đàn ang, sao không có cái nhìn khoáng đạt hơn ra những địa điểm… xứng tầm. Tôi chỉ cười xòa, vì tôi rưng rưng quá. Bếp, nó không đơn giản chỉ là nơi chế biến những món ăn phục vụ nhu cầu ẩm thực, nó hóa thứ không-gian-tâm-tưởng trong tôi tự lâu lắm rồi…

Ha Manh Luan
Nhà văn trẻ Hà Mạnh Luân

Người ta hay nhắc đến quê hương với thứ khói lam chiều. Khói ấy hiện hữu trong tôi là những chòm xanh mang mang ướp dính nhèm vào màu rạ ngả trên mái bếp ngoại ngồi. Những đợt gió về thốc đi theo nó cả mùi sắn nướng, mùi canh cua, mùi của sản vật đồng quê dân giã, nhắc nhở thằng trai chưa kịp lớn là tôi đang vất vưởng chơi bi, đánh đáo ở nơi đâu, quay bước trở về nhà. Ngoại vẫn dáng ngồi lưng tôm in nghiêng bức vách, bóng ngoại chợt vụt lớn to hơn vào những buổi tối trời, xung quanh là tiếng bầy gà con liếp nhiếp viên mãn ấm áp trong mớ cánh nhung của mái mẹ. Tên lợn ục ịch chuồng bên ngáy từng hồi nghe nặng nề mà bình thản…

Không giống ở thành phố, bếp là một phòng riêng trong kiến trúc tổng thể căn nhà cao tầng, với đầy đủ thứ nồi niêu xoong chảo bóng loáng và chiếc bình gas to như trái bom. Trẻ con khi chờ cơm không được bén mảng vào gian bếp, nơi hãy còn tiềm ẩn nhiều tai nạn bất ngờ. Nhớ có lần bà lão mới ở quê lên, xin vào làm giúp việc cho một gia đình có đứa con trai học lớp tám- học trò tôi gia sư môn văn. Ngay buổi đầu, bà đã phải nghỉ việc, bởi khi bước vào nhà vệ sinh ngay cạnh gian bếp, bà đã sẩy chân ngã đánh oạch, bởi thứ đá hoa ốp nền nhà nó trơn quá, không phải nền đất, nền gạch tươi mát lịm về mùa hè đi mát chân như ở dưới quê…

Bếp của ngoại nghèo nàn, hoang hoải hơn, nhìn đâu cũng thấy mồ hóng giăng đen ngòm cả bức vách, chẳng loang loáng sạch chùi với những gam màu sáng nơi đô thị. Bếp không là nơi người lớn cấm trẻ con bén mảng vào, mà tuổi nhỏ, hầu hết những đứa trẻ quê tôi đã đường hoàng làm chủ gian bếp. Bếp nghèo nhưng bếp còn là cả thế giới của tôi ngày ấy. Cái tổ kiến lửa có từ bao năm hay vây đốt cả gà con, bao phen bị ngoại tra dầu hỏa đến lụt cả hang mà cứ bận cuối xuân đầu hè chúng lại trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ. Kiến lửa bây giờ từ lâu tôi không còn được thấy, cái cách diễu hành thẳng hàng thẳng lối, và cái cách cặm cụi khiêng miếng mồi to gấp nhiều lần cơ thể chúng, đêm rồi ngày…

Thành phố đôi lúc đám bạn ngày nào gặp lại, đồng lòng hoài vọng quê xa, nhớ những trò hay chơi ngày nhỏ, hò nhau mua lấy bộ bài về quây quần đánh phỏm. Tìm đâu ra chiếc xoong đáy đen mồ hóng để quệt nhọ nồi lem nhem lên má đứa chơi thua?, đành giỡ nguyên một cái nồi mới mua đem… thiêu để quệt nhọ nồi. Rồi thì tủ lạnh, điều hòa, lò vi sóng. Rặt những thứ lớn tiền mà dùng riết vẫn chẳng thể tìm lại hương vị đồ ăn như bếp ngoại ngày nào. Tủ lạnh tiện dụng đấy, thực phẩm đưa vào chẳng lo bị ôi, nhưng sau một buổi thấy rau héo queo héo quắt, đĩa thịt gà luộc vẫn nguyên nước da vàng nhạt mà vị thơm, vị ngọt của thịt chẳng còn trên đầu môi…

557366_413467382097463_1736380468_n

Thời của ngoại tôi chưa biết đến tủ lạnh, lò vi sóng, hoặc là chỉ mang máng được nghe đâu đó người ta quảng cáo trên truyền hình. Dụng cụ ngoại bảo quản miếng ăn là chiếc móc treo, như một bên thu nhỏ của đôi quang gánh. Những nồi thịt kho, niêu tôm cá, người quê rắc quá tay muối hơn thường lệ một chút, đến bữa dùng đũa sạch lấy ra một phần nào đó, rồi chiếc nồi được để ngay ngắn vào một chiếc giỏ, treo lên móc treo, lửng lơ giữa muôn luồng khói bay lên từ kiềng bếp… Chao ôi là nhớ những món ăn đạm bạc mà chứa đựng tình quê, người quê như thế. Ở thành phố, người ta làm chó, làm giả cầy, thịt chuột, cũng phải kiếm kì được cọng rơm quê để thui, nó mới ra vị của đặc sản, vị quê. Ở đồng bào vùng cao, thịt lợn, trâu, bò, dân làng còn móc treo cho ám khói, đủ độ đằm , gỡ xuống, chẳng những vẫn giữ nguyên vị thơm ngon, mà còn dậy cả mùi hồn đất, hồn người, hồn lúa nước qua làn khói thiêng liêng…

Tháng năm, nắng vàng ươm thênh thang con đường nhỏ ngoại thành, đây đó người ta thu lúa sớm, hay là vụ chiêm chênh lệch tiết với quê tôi, nơi nơi hân hoan mùi rơm mới nỏ. Nhớ lắm, tôi vội vàng rời bỏ nội đô, thoát khỏi những ngã ba ngã tư hầm hập bụi đường. Tìm để hít lại hương quê, để nhớ về thiêng liêng gian bếp.

Gian bếp tường đất, mái rạ của ngoại đã vĩnh viễn không còn kể từ khi tôi học lớp sáu. Cậu mợ đi làm ăn xa, mang theo về cả lối kiến trúc như ở văn minh thị thành. Đàn gà, đàn lợn hãy còn, nhưng bị chuyển ra một nơi riêng, cách xa gian bếp, tuyệt không còn được thấy bóng dáng những con kiến cặm cụi tha mồi.

Bếp vĩnh viễn chỉ còn lại trong tôi- nơi miền nhớ.
Cả khói thơm, cả bóng dáng ngoại gò lưng tôm…

Biên tập: Vương Chi Lan